Bên bờ hạnh phúc

Ngày 01/12 vừa qua, các nước một lần nữa kỷ niệm Ngày thế giới phòng chống AIDS. Theo thống kê của Liên hiệp quốc, trên thế giới hiện có hơn 33,4 triệu người nhiễm HIV, đó là chưa kể 30 triệu người đã chết vì căn bệnh thế kỷ AIDS kể từ khi virus HIV được phát hiện vào những năm 1980.

Nhân ngày thế giới phòng chống AIDS năm nay, Liên hiệp quốc đã tiếp tục chọn cụm từ “Tiếp cận phổ cập và nhân quyền” làm chủ đề cho cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS trên toàn cầu. "Tiếp cận phổ cập” được hiểu là cung cấp các dịch vụ về dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ cho tất cả mọi người có nhu cầu mà không phân biệt giới tính, địa vị xã hội, dân tộc, tôn giáo, sở thích.v.v…

Nhân quyền” là yếu tố cơ bản trong cuộc chiến chống HIV/AIDS trên toàn cầu. Việc vi phạm nhân quyền sẽ càng làm gia tăng sự lây lan của HIV và sẽ tiếp tục đẩy nhóm người dễ bị tổn thương như nghiện chích ma tuý, mại dâm vào nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn. Việc thúc đẩy nhân quyền có thể giúp ngăn chặn được những trường hợp lây nhiễm mới và những người bị nhiễm HIV có thể được sống mà không bị phân biệt đối xử.

Kể từ khi con người phát hiện virus HIV cách đây 30 năm, đến nay tốc độ lây lan của căn bệnh thế kỷ AIDS không hề suy giảm mà dường như còn có xu hướng gia tăng. Hàng năm, có khoảng 2 triệu người chết vì AIDS và k,hoảng 2,7 triệu người nhiễm mới, nhưng chỉ có 40% biết mình bị nhiễm HIV.

Trong khi nỗ lực tìm ra vắcxin phòng HIV/AIDS chưa mang lại kết quả thì căn bệnh thế kỷ này vẫn tiếp tục hoành hành ở mọi ngóc ngách trên hành tinh. Theo một số liệu thống kê sơ bộ của Liên hiệp quốc, khoảng 22% số thanh niên trong độ tuổi từ 15 – 29 nghỉ rằng, căn bệnh này không còn gây chết người nữa, 40% thanh niên và 60% phụ nữ không sử dụng các biện pháp bảo vệ trong lần quan hệ tình dục gần nhất. Thậm chí, nhiều người còn không rõ cơ chế truyền bệnh của HIV/AIDS.

Mới đây, Cơ quan phòng chống AIDS của Liên hiệp quốc UNAIDS đã công bố một phác đồ điều trị HIV hoàn toàn đơn giản mang tên "Phương pháp điều trị 2.0". Phương pháp này có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở người mắc AIDS cũng như giảm mạnh số người nhiễm HIV. Phương pháp này yêu cầu giá thuốc rẻ hơn, chế độ điều trị đơn giản và tiện lợi hơn, nhằm giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế, đồng thời cải thiện chất lượng sống của người nhiễm HIV và gia đình họ.

Theo UNAIDS, nếu điều trị bằng phương pháp 2.0, thế giới sẽ có 10 triệu người bị AIDS được cứu sống vào năm 2025. Số người nhiễm mới cũng sẽ giảm 1 triệu nếu các nước cung cấp đủ thuốc kháng virus theo hướng dẫn điều trị của Tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên, Cộng đồng khoa học và các tổ chức đấu tranh phòng chống AIDS lo ngại rằng, nguồn tài trợ cho cuộc chiến phòng chống AIDS đang bị sụt giảm do các nước giàu tìm cách tiết kiệm chi tiêu ngân sách.

Nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS năm nay, Liên hiệp quốc đã kêu gọi các cá nhân, cộng đồng, các nhà lãnh đạo chính trị ở các nước hành động mạnh mẽ hơn nữa để đảm bảo rằng, việc chăm sóc và chữa trị cho những người bị nhiễm HIV, cũng như các hoạt động ngăn chặn HIV/AIDS trên toàn cầu sẽ sớm đạt được yêu cầu mong đợi.

Quốc Trung (tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *