Bên bờ hạnh phúc

Thảm họa động đất và sóng thần kinh hoàng vào ngày 11/03 vừa qua không chỉ làm hàng ngàn người thiệt mạng mà còn khiến Nhật Bản bị thiệt hại nặng nề về kinh tế. Hiện, giới hữu trách chưa thể đưa ra thống kê cuối cùng về hậu quả của thiên tai vừa qua. Thế nhưng, chắc chắn, thảm họa này sẽ góp phần làm chậm lại đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản.

Nhật Bản hứng chịu thảm họa động đất, sóng thần tồi tệ nhất trong vòng 65 năm qua. Ảnh mih họa

 

Trận động đất và sóng thần vừa qua xảy ra đúng vào thời điểm mà nền kinh tế Nhật Bản đang hồi phục chậm. Trước khi thảm họa xảy ra, các số liệu thống kê công bố hồi tháng 2/2011 cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội GDP của Nhật Bản đã giảm trong quý IV năm 2010 do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh và Nhật Bản đã phải nhường vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho Trung Quốc.

Mặc dù đã thoát khỏi suy thoái trong năm 2009, song, sự phục hồi của kinh tế Nhật Bản vẫn yếu ớt do tình trạng giảm phát, nợ công cao, nhu cầu nội địa thấp, xuất khẩu giảm và giá đồng yên tăng. Giờ đây, theo giới phân tích, có vẻ như sự phục hồi của kinh tế Nhật Bản sẽ càng khó khăn hơn.

Sau thảm họa kinh hoàng, chính phủ Nhật Bản sẽ phải chi một khoản tiền lớn để khắc phục hậu quả, trong khi tình hình tài chính đất nước đang khó khăn với mức thâm hụt công đạt ngưỡng 9% GDP. Chính vì vậy, theo các nhà phân tích, so với trận động đất Kobe năm 1995, khả năng phục hồi nền kinh tế của Nhật Bản sau trận động đất lần này sẽ yếu hơn do mức thiệt hại quá lớn.

Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ tính riêng khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần vừa qua, Nhật Bản đã bị thiệt hại lên tới 171 – 183 tỉ USD. Đánh giá ban đầu của các công ty bảo hiểm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thảm họa cũng cho thấy, ngành bảo hiểm thế giới sẽ thiệt hại từ 10 – 60 tỉ USD.

Mặc dù các công ty sản xuất ô tô của Nhật Bản như Toyota, Honda, Nissan không chịu thiệt hại nhiều và chỉ ngừng hoạt động một thời gian nhưng điều đáng lo ngại nhất là hậu quả của các sự cố tại các nhà máy lọc dầu và các nhà máy điện hạt nhân. Nếu những sự cố này chậm được khắc phục thì sản xuất công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho rằng, Nhật Bản đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 65 năm qua, kể từ khi kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II.

Trong khi đó, chính phủ các nước châu Âu cũng bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của động đất, sóng thần ở Nhật Bản tới nền kinh tế thế giới vốn chỉ mới vừa bước vào quá trình phục hồi sau suy thoái. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là thời điểm khó khăn đối với Nhật Bản và các dư chấn về kinh tế có thể tác động tới toàn bộ nền kinh tế thế giới, đồng thời cho biết, tuy thảm họa thiên tai vừa xảy ra tại Nhật Bản chỉ gây ảnh hưởng nặng nề tới các khu công nghiệp song, nó có thể gây ảnh hưởng tới lòng tin vào thị trường trái phiếu chính phủ của nước này.

Các nhà kinh tế cho rằng, chính phủ Nhật Bản sẽ gặp khó khăn nhiều hơn khi đưa ra kế hoạch tài khóa dài hạn đáng tin cậy vào mùa hè này, nếu nền kinh tế vẫn còn bị chìm trong suy thoái vì khi đó, tình hình tài chính công sẽ trở nên xấu hơn trong khi đất nước vẫn phải gánh chịu hậu quả của trận động đất kinh hoàng vừa qua.

Thu Thủy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *