Bên bờ hạnh phúc
Bà Helle Thorning-Schmidt trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Đan Mạch

Cuộc bầu cử quốc hội ngày 15/09 vừa qua ở Ðan Mạch đã mang đến một sự thay đổi quan trọng trên chính trường nước này. Sau 10 năm ở vị trí đối lập, liên minh trung tả do đảng Dân chủ Xã hội (SDP) đứng đầu, đã đánh bại liên minh trung hữu cầm quyền, giành quyền điều hành đất nước trong 4 năm tới. Chiến thắng trên đã mở đường cho bà Helle Thorning-Schmidt, Chủ tịch SDP, trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử đất nước Bắc Âu này. 

Bà Thorning-Schmidt không chỉ là một chính trị gia nhạy bén, tài giỏi, mà còn được biết đến là một phụ nữ có nhan sắc. Bà sinh năm 1966, lớn lên ở ngoại ô thủ đô Copenhagen của Ðan Mạch. Năm 1994, bà tốt nghiệp thạc sĩ ngành khoa học chính trị tại Trường đại học Copenhagen, sau đó sang Bỉ du học và tốt nghiệp thạc sĩ ngành châu Âu học. Từ năm 1994 tới 1997, bà là lãnh đạo ban thư ký của phái đoàn nghị sĩ Dân chủ Xã hội của Ðan Mạch tại Nghị viện châu Âu (EP). Sau đó, bà làm cố vấn quốc tế cho Liên hiệp công đoàn Ðan Mạch một thời gian trước khi trúng cử nghị sĩ EP vào năm 1999. Bà Thorning-Schmidt được bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội SDP vào năm 2005 khi mới 39 tuổi.

Theo nhận định của giới quan sát, nữ Thủ tướng tương lai của Ðan Mạch được đánh giá là người có lập trường mềm dẻo so với người tiền nhiệm Lars Lokke Rasmussen, mặc dù có cùng quan điểm trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính sách đối ngoại, an sinh xã hội.

Trong chiến dịch tranh cử, bà Thorning-Schmidt đã cam kết thực hiện các biện pháp cải cách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước như tăng giờ làm việc thêm một giờ/tuần, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục và cơ sở hạ tầng. Bà cũng hứa sẽ bãi bỏ một số biện pháp kinh tế "thắt lưng buộc bụng" đã được chính phủ của Thủ tướng Rasmussen áp dụng. Tuyên bố này của bà đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân Ðan Mạch.

Ngoài ra, bà đã cam kết nới lỏng các quy định hạn chế đối với người nhập cư, chủ trương đấu tranh chống sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. 

Những cam kết của bà luôn được mong đợi sẽ vực dậy nền kinh tế Đan Mạch đang trong tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Thế nhưng, nhiệm vụ trước mắt của bà là đàm phán với các chính đảng trong liên minh trung tả để sớm thành lập một chính phủ liên hiệp, hoạt động có hiệu quả.

Khó khăn kinh tế đang bùng phát ở nhiều quốc gia châu Âu. Liệu chính quyền mới của Đan Mạch có giải quyết thành công những cam kết mà họ đã đưa ra trước đó cũng như các thách thức ở phía trước hay không? Đây là câu hỏi khó. Nhưng theo các nhà phân tích, thì dù sao, thắng lợi của lực lượng cánh tả ở Ðan Mạch chắc chắn sẽ có những tác động không nhỏ đến đời sống chính trị và xã hội ở đất nước Bắc Âu này nói riêng, châu Âu nói chung vốn đang rất sôi động và căng thẳng.

Minh Thanh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *