Bên bờ hạnh phúc

Trong những ngày gần đây, khi những người lính cuối cùng của lực lượng tác chiến Mỹ đã rời khỏi lãnh thổ Iraq, dư luận hy vọng về một tương lai hòa bình và ổn định cho quốc gia vùng Vịnh này.

Quân Mỹ rút khỏi Iraq

Đối với nước Mỹ, cuộc chiến kéo dài đã 7 năm rưỡi qua có thể đang dần khép lại, nhưng hậu quả do nó để lại sẽ còn kéo dài. Còn đối với người dân Iraq, bóng đen chiến tranh vẫn chưa dứt. 

Nỗi lo về khoảng trống quyền lực ở Iraq ngày càng tỉ lệ nghịch với số quân Mỹ đang giảm dần tại quốc gia giàu dầu mỏ này. Đã hơn 5 tháng trôi qua sau cuộc bầu cử lập pháp, đời sống chính trị ở Iraq vẫn hết sức rối ren. Mâu thuẫn xã hội giữa những người Hồi giáo dòng Sunni và Shi’ite ngày một gay gắt và khó dung hòa trong khi mối hận thù giữa người Sunni và người Kurd do những vụ việc trong quá khứ vẫn chưa hề được hóa giải.

Không những thế, chính quyền Washington còn rơi vào thế đối đầu với các thành viên đảng Baath, chính đảng theo dòng Sunni của cố Tổng thống Saddam Hussein.

Cuộc bầu cử mùa xuân vừa qua ở Iraq đã tạo ra một Quốc hội bế tắc không có khả năng thành lập chính phủ mới; các chính khách Shi’ite không thống nhất về phân bổ ghế lãnh đạo trong khi người Kurd và người Sunni cũng vậy. Hơn 7 năm sau khi chế độ của Tổng thống Hussein sụp đổ, các phe phái tại Iraq vẫn chưa thể thống nhất trong việc chia sẻ quyền lực, đất đai và nguồn lợi từ dầu mỏ. Cuộc bầu cử hồi tháng 3 đã phản ánh một sự thật hiển nhiên và trớ trêu rằng: không có đủ chính khách để thành lập một chính phủ mới, nhưng vẫn có đủ chính khách để ngăn cản quá trình đó.

Việc Mỹ rút hoàn toàn lực lượng tác chiến và chỉ để lại gần 50.000 quân, tiến tới rút toàn bộ lực lượng vào cuối năm 2011 đã diễn ra theo đúng kế hoạch của Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, giới chức Mỹ đều thừa nhận, đây chỉ là “mốc đánh dấu” một bước chuyển đổi chiếc lược của Mỹ ở quốc gia vùng Vịnh này, chứ chưa phải là tiêu chí đánh giá sự thành bại của cuộc chiến do Mỹ phát động từ năm 2003.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN của Mỹ hôm 21/08, Tư lệnh quân Mỹ tại Iraq, Tướng Lục quân Ray Odierno, đã không loại trừ khả năng nối lại hoạt động tác chiến của binh lính Mỹ nếu như lực lượng an ninh Iraq “thất bại hoàn toàn.” Điều đó đồng nghĩa với việc bóng đen chiến tranh vẫn bao trùm bầu trời Iraq và chưa rõ đến bao giờ cuộc chiến “hao người tốn của” này mới đi đến hồi kết.

Trong khi đó, tờ Thời báo Los Angeles của Mỹ nhận định rằng, cái giá mà Mỹ phải trả cho cuộc chiến Iraq là quá cao khi có tới gần 4.500 binh lính Mỹ bị thiệt mạng, hàng chục ngàn quân nhân khác bị thương. Còn theo trang web của tổ chức Body Count của Iraq, có khoảng 97.000 đến 106.000 thường dân nước này ngã xuống, hàng trăm ngàn người bị thương và rất nhiều người khác mất nhà cửa, phải sống lưu vong trong cuộc chiến hơn 7 năm qua.

Về chi phí, ban đầu, chính quyền tiền nhiệm tại Mỹ do ông Bush đứng đầu chỉ ước tính chi phí cho cuộc chiến này là 50 tỷ đôla. Thực tế đến nay, tổng số tiền do người dân Mỹ đóng thuế bỏ ra cho chiến tranh Iraq đã lên đến 750 tỷ đôla và sự hao tốn tài chính chắc chắn sẽ chưa dừng lại. Theo ước tính, nước Mỹ có thể phải chi một khoản tiền tương đương, tức là 750 tỷ đôla nữa, để bù đắp cho những người chịu tổn thương về thể chất và tinh thần do dính líu với cuộc chiến này.

Hồng Hậu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *