Bên bờ hạnh phúc

Vào ngày 03/12, đoàn tàu chở khách mới nhất của Trung Quốc có tên gọi CRH 380A đã lập kỷ lục thế giới trong buổi chạy thử nghiệm, đạt tốc độ 486 km/h trên tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải. Tốc độ mới lập này đã phá vỡ kỷ lục 416km/h mà chính đoàn tàu này đã đạt được 3 tháng trước đó trên tuyến đường cao tốc giữa Thượng Hải – Hàng Châu.

Chiếc tàu cao tốc CRH 380A tại triển lãm Expo Thượng Hải 2010

 

Phát ngôn viên của Bộ Đường sắt Trung Quốc cho biết: “Điều này không chỉ đánh dấu một mốc son cho đường sắt tốc độ cao Bắc Kinh – Thượng Hải mà còn là một thành tựu lớn trong sự phát triển công nghệ của Trung Quốc”.

Năm 2004, Chính phủ Trung Quốc thông qua kế hoạch trung và dài hạn về mạng lưới đường sắt, khởi đầu cho quá trình phát triển hệ thống đường sắt cao tốc. Theo kế hoạch trên, đến năm 2020, tổng chiều dài đường sắt được vận hành ở Trung Quốc sẽ vượt 120.000 km, trong đó, đường sắt cao tốc xây mới chiếm hơn 16.000 km. Theo các nhà quan sát, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Trung Quốc hơn 9% mỗi năm trong vòng 2 thập niên qua đã tạo nền tảng vững chắc để nước này có những tiến bộ nhanh trong nhiều lĩnh vực, từ việc đưa người ra ngoài không gian cho tới việc phát triển đường sắt cao tốc.

Ngày 18/4/2007, Trung Quốc đã khởi động chiến dịch tăng tốc tàu cao tốc toàn diện lần thứ 6, đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới về phát triển đường sắt cao tốc ở nước này và những con tàu phát triển trong nước của Trung Quốc mang dòng chữ "Đường sắt cao tốc Trung Quốc" (CRH) bắt đầu xuất hiện với số lượng ngày càng gia tăng.

Thực tế, Trung Quốc không hề che giấu tham vọng dẫn đầu thế giới trong hoạt động xây dựng đường sắt cao tốc. Ngày 18/4/2008, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải bắt đầu được khởi công xây dựng. Theo thiết kế, tàu chạy tuyến đường này sẽ đạt tốc độ vận hành đỉnh cao là 380 km/h và toàn bộ hành trình dài 1.318 km sẽ chỉ mất 4 tiếng. Khi hoàn thành, đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải sẽ là tuyến đường sắt dài nhất và nhanh nhất với tiêu chuẩn cao nhất thế giới.

Ngày 26/12/2009, đường sắt cao tốc Vũ Hán – Quảng Châu đi vào vận hành với tốc độ 350 km/h. Nhờ dịch vụ đường sắt cao tốc, thời gian tàu chạy từ Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc đến Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, có chiều dài 1.069 km, đã giảm xuống 3 tiếng. Nửa năm sau đó, ngày 1/7/2010, tuyến đường sắt cao tốc Thượng Hải – Nam Kinh khai trương. 

Từ chỗ phải nhập khẩu, giờ đây, Trung Quốc không chỉ tự xây dựng được mạng lưới đường sắt cao tốc mà còn cạnh tranh với Đức, Nhật trong việc xuất khẩu công nghệ tàu cao tốc. Trung Quốc chuẩn bị xây dựng đường sắt cao tốc khá chu đáo. Phương châm làm việc của họ là: thăm dò – hợp tác chung – học hỏi – tự làm – thật nhanh. Có ba mảng kỹ thuật chính cần khai thác từ đối tác, đó là xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất xe lửa, kỹ thuật điều khiển/tự động hóa. Tuy một số hạng mục không phải là công nghệ cao và Trung Quốc có thể tự làm, nhưng họ cũng tìm cách học hỏi đến nơi đến chốn từ các đối tác và sau đó vận dụng những gì học được để biến thành cái của mình.

Các chuyên gia đánh giá rằng, một trong những nhân tố đóng góp cho sự thành công của mục tiêu đưa đường sắt cao tốc Trung Quốc vươn ra thế giới là giới lãnh đạo biết trọng dụng nhân tài. Họ đã xây dựng một đội ngũ kỹ thuật hùng mạnh, chỉ tính riêng dự án đường sắt cao tốc đã có hàng chục ngàn người. Và lĩnh vực đường sắt cao tốc của Trung Quốc vì vậy được tin là không chỉ phát triển như thế.

Hồng Anh
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *