Bên bờ hạnh phúc

Tuần qua, trang mạng WikiLeaks lại công bố thêm 250.000 văn bản ngoại giao của Mỹ cho nhiều tờ báo hàng đầu thế giới, trong đó có nhiều thông tin hết sức nhạy cảm. Vụ việc đã đẩy Washington vào tình thế khó xử trong quan hệ với các nước, bởi lẽ trên nguyên tắc, những tài liệu trên chỉ được phép lưu hành nội bộ mà thôi. Cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng khác nhau trước những tiết lộ của WikiLeaks.

WikiLeaks chuyên đăng tải nội dung các thông tin rò rỉ từ những loại tài liệu chưa công bố, nhưng vẫn giữ tính nặc danh của nguồn tin

Các tài liệu của WikiLeaks tiết lộ lần này liên quan tới quan điểm ngoại giao của Washington trong giai đoạn từ tháng 12/1966 đến hết tháng 2/2010 và có liên quan đến rất nhiều nước. Không chỉ quan chức Mỹ mà hàng loạt các nhà lãnh đạo trên thế giới như Tổng thống Italia Silvio Berlusconi, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, nhà lãnh đạo Libya Muammar Kadhafi, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy … cũng được đề cập trong các văn bản bị tiết lộ này.

Ngay sau khi những thông tin ngoại giao nhạy cảm bị tung ra, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã cực lực lên án và cho rằng hành động này đã gây phương hại đến tính mạng cũng như sự nghiệp của những người có tên trong các tài liệu. Không những thế, chúng còn ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách đối ngoại của Washington, đồng thời tác động tới đồng minh và các đối tác ngoại giao khác của Mỹ trên toàn thế giới.

Chính phủ các nước như Canada, Nhật Bản, Pháp, Nga, Italia … cũng đã chỉ trích WikiLeaks về những tiết lộ này. Nhật Bản xem đây là một "tội ác" và cho rằng, chỉ chính phủ các nước mới có quyền quyết định về việc công bố những tài liệu nhạy cảm ấy.

Trong khi đó, nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks, Julian Assange đã nhận được sự ủng hộ của chính phủ một số nước Nam Mỹ. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cho rằng, đó là một "sự dũng cảm". Trung Quốc đã hối thúc Mỹ giải quyết các vấn đề liên quan tới những văn thư ngoại giao bị rò rỉ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh không muốn bất kỳ sự xáo trộn nào trong quan hệ với Washington.

Đây là lần thứ ba WikiLeaks tiết lộ tài liệu mật liên quan tới Mỹ. Trước đó, trang mạng này đã công bố gần 500.000 văn bản của Mỹ về các cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq gây chấn động dư luận thế giới.

Trang mạng WikiLeaks được thành lập vào năm 2006, hiện có trụ sở tại Thụy Điển dưới sự điều hành của một số nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền ở Châu Âu và Mỹ. WikiLeaks chuyên đăng tải nội dung các thông tin rò rỉ từ những loại tài liệu chưa công bố, nhưng vẫn giữ tính nặc danh của nguồn tin. Thụy Điển mới đây đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, nhưng chỉ với những cáo buộc ông phạm tội cưỡng hiếp và quấy rối tình dục.

Thanh Tâm (tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *