Bên bờ hạnh phúc
Ảnh minh họa

Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone đã họp khẩn cấp vào đêm 29/11 ở Brussel, Bỉ trong nỗ lực cứu đồng euro – loại tiền tệ hiện đang được 332 triệu người sử dụng – cũng như bảo vệ châu Âu, Mỹ, châu Á cùng nhiều khu vực khác trên thế giới thoát khỏi trận sóng thần tài chính do khủng hoảng nợ công gây ra. Các nhà phân tích cho rằng, không được chậm trễ trong cuộc đua giải cứu euro, bởi lẽ một khi đồng tiền này sụp đổ, đó sẽ là một thảm họa tài chính toàn cầu.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã thống nhất về các điều khoản chi tiết cho hai phương án mở rộng năng lực cho vay của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu, gọi tắt là EFSF. Còn nhớ, hồi tháng rồi, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định tăng nguồn lực cho EFSF từ 440 tỉ euro lên 1.000 tỉ euro.

Theo phương án thứ nhất, các chủ nắm giữ trái phiếu sẽ bảo đảm một phần rủi ro đối với trái phiếu do EFSF phát hành. Theo phương án thứ hai, EU sẽ thiết lập ít nhất một quỹ đầu tư cho phép kết hợp nguồn vốn công và tư nhân để mua trái phiếu. 

Xuất phát từ nhận thức một đồng tiền chung không thể tồn tại lâu dài mà không có các quy định chung về kinh tế, hội nghị lần này đã tìm cách hợp nhất các nước trong khu vực đồng euro một cách đầy đủ hơn, cả về chính trị lẫn tài chính, thúc giục sự quản lý về tài chính ở cấp trung ương mạnh hơn nữa đối với những nước sử dụng đồng euro. Theo đó, các nhà lãnh đạo EU có thể yêu cầu có những thay đổi trong ngân sách quốc gia và áp đặt hình phạt đối với những nước có mức thâm hụt ngân sách quá lớn.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo EU khác nhận định nếu đồng euro thất bại thì EU, 1 liên minh gồm 27 quốc gia ở châu Âu, cũng sẽ thất bại. Và khi ấy, cái giá phải trả sẽ rất đắt. Nói một cách cụ thể, hoạt động cho vay của các ngân hàng sẽ đóng băng, các thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ phá sản và các nền kinh tế ở châu Âu khó tránh khỏi sụp đổ. Ngoài ra, do các ngân hàng thế giới liên kết chặt chẽ với nhau nên tình trạng đóng băng tín dụng sẽ lan sang cả Mỹ và châu Á. Xuất khẩu của Mỹ và châu Á sang châu Âu sẽ tê liệt. Viễn cảnh đó còn tồi tệ hơn nhiều so với cú sốc thị trường địa ốc Mỹ hồi năm 2008 dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. 

Dù sao đi chăng nữa thì người ta vẫn hy vọng với những biện pháp quyết liệt như trên, châu Âu rồi đây sẽ vượt qua khủng hoảng trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.

Thanh Sang

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *