Bên bờ hạnh phúc

Hội nghị thượng đỉnh an toàn hạt nhân ở Washington, Mỹ đã khép lại với sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo của 49 tổ chức quốc tế và quốc gia về hiểm họa từ vũ khí hạt nhân cũng như những bước đi nhằm không để vũ khí và nguyên liệu hạt nhân rơi vào tay khủng bố. Đây có thể được coi là bước tiến lớn trong việc giải quyết những thách thức cấp bách hiện nay để hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. 

Vũ khí hạt nhân là một nguy cơ vô hình đối với thế giới

Ngày nay, hiểm họa hạt nhân không chỉ là thứ hữu hình như những quả bom nguyên tử đã được thả xuống Nagasaki và Hiroshima của Nhật Bản năm nào. Nguy cơ này tiềm ẩn trong tham vọng sở hữu và phát triển loại vũ khí hủy diệt này của một số quốc gia. Bên cạnh đó, còn một nguy cơ khác từ việc thiếu biện pháp hữu hiệu kiểm soát nguồn nhiên liệu hạt nhân. Không chỉ nằm trong đầu đạn và bom hạt nhân, nguyên liệu hạt nhân còn tồn tại dưới rất nhiều hình thức như trong các lò phản ứng hạt nhân, các viện nghiên cứu…

Kiểm soát các nguồn nguyên liệu hạt nhân này, không để cho chúng rơi vào tay bọn khủng bố, ngày càng mang tính sống còn với an ninh toàn cầu vì chỉ cần có được vài cân nguyên liệu thì việc chế tạo vũ khí hạt nhân không phải là điều vượt quá khả năng của những phần tử khủng bố.

Nhưng ngăn không để các tổ chức khủng bố sở hữu nguyên liệu hạt nhân cũng như tạo sự đồng thuận giữa các nước về cơ chế kiểm soát nguồn nhiên liệu này là điều không đơn giản. Ranh giới nhạy cảm giữa hạt nhân dân sự và quân sự đang tạo kẽ hở cho sự xuất hiện những mưu toan núp bóng các dự án điện hạt nhân để phát triển công nghệ làm giàu uranium đến mức có thể chế tạo vũ khí hạt nhân.

Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) dự báo đến năm 2050, thế giới cần tới 1.400 lò phản ứng năng lượng hạt nhân thì mới đáp ứng được nhu cầu về điện. Như vậy là sẽ có thêm nhiều quốc gia cần tới nguồn nhiên liệu hạt nhân để sản xuất điện. Nếu để các nước tự làm giàu uranium thì hiện thế giới chưa đủ các công cụ cần thiết để có thể kiểm soát, dẫn đến nguy cơ nguyên liệu hạt nhân bị lợi dụng vào mục đích khác hoặc rơi vào tay bọn khủng bố. Nhưng ngăn cấm thì vi phạm Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), văn bản thừa nhận quyền của các nước sử dụng kỹ thuật hạt nhân cho mục đích hòa bình, chẳng hạn như để sản xuất điện. Nếu buộc các nước phải mua nguyên liệu của một vài cường quốc hạt nhân thì không công bằng.

Như vậy, để có thể ngăn chặn hiểm họa hạt nhân một cách hiệu quả, thế giới cần phải có những nỗ lực chung, tạo ra bước chuyển mới. Chừng nào kho vũ khí hạt nhân của các cường quốc hạt nhân vẫn tồn tại và một số nước khác vẫn nuôi tham vọng đứng vào hàng ngũ các quốc gia hạt nhân thì mối đe dọa hạt nhân vẫn tiềm tàng và sự lo ngại của cộng đồng quốc tế vẫn có cơ sở.

Trong bối cảnh như vậy, Hội nghị thượng đỉnh an toàn hạt nhân có thể coi là một bước tiến tích cực trong việc xây dựng một thế giới an toàn hơn. Hội nghị đã tạo cơ sở để hướng tới mục tiêu lớn trong tương lai là các nước sở hữu vũ khí hạt nhân cắt giảm kho vũ khí của mình, từng bước loại bỏ loại công cụ hủy diệt này ra khỏi đời sống con người.

Việc Nga – Mỹ mới đây ký kết Hiệp ước mới thay thế START-1 được xem là bước đi đầu tiên trên hành trình tới đích lớn đó. Hội nghị cũng đưa ra những sáng kiến cụ thể nhằm ngăn chặn các mưu toan lợi dụng công nghệ hạt nhân dân sự để ngấm ngầm phát triển vũ khí hạt nhân. Điều này có thể thành hiện thực nếu các nước có khả năng sản xuất nhiên liệu tạo điều kiện cho các nước có nhu cầu sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình có cơ hội tiếp cận với công nghệ này dưới sự giám sát chặt chẽ của quốc tế. Biện pháp này cũng sẽ triệt tiêu các chợ đen hạt nhân, nơi có thể tạo cơ hội cho các lực lượng khủng bố tiếp cận nguồn nhiên liệu hạt nhân.

Hai ngày hội nghị ở Washington chắc chắn chưa thể giải quyết được những mâu thuẫn gay gắt cũng như những vấn đề phức tạp liên quan đến an toàn hạt nhân. Thế giới ghi nhận nỗ lực của Tổng thống Obama trong việc ký START-2 và tổ chức Hội nghị này, nhưng để có thể tiến tới một thế giới phi hạt nhân, sẽ không chỉ có những cam kết, mà đến lúc cần những hành động thực tế. Loại bỏ hoàn toàn hiểm họa hạt nhân là yêu cầu cấp thiết và nguyện vọng chính đáng của nhân loại.

Thanh Sang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *