Bên bờ hạnh phúc
Modul thử nghiệm Thiên Cung – 1 được phóng thành công lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F

Ngày 29/09, modul thử nghiệm Thiên cung – 1 không người lái đã được phóng thành công bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F từ trung tâm Cửu Tuyền ở tỉnh Cam Túc, mở đường cho kế hoạch thành lập trạm quỹ đạo vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc vào năm 2020.

Module Thiên cung – 1 nặng hơn 8 tấn, dài 10.5 mét sẽ được duy trì trên quỹ đạo 2 năm, vì thế nó sẽ không trở thành một phần của trạm vũ trụ tương lai. Mục tiêu của Thiên cung – 1 là phát triển công nghệ kết nối giữa các con tàu không gian. Thử nghiệm đầu tiên dự kiến được thực hiện vào cuối năm nay. Khi đó, tàu vũ trụ Thần Châu 8 không người lái sẽ được phóng lên Thiên cung – 1 và lắp ghép với nhau lần đầu tiên ở độ cao 340 km từ bề mặt Trái Đất. Nếu thành công, hai tàu vũ trụ Thần Châu 9 và 10 cùng phi hành đoàn sẽ lần lượt bay tới modul Thiên cung – 1 vào năm 2012.

Năm 2003, Trung Quốc đã trở thành cường quốc không gian thứ ba trên thế giới sau khi tự đưa được con người lên quỹ đạo. Đến nay, nước này đã thực hiện thành công 3 chuyến bay có người lái với 6 phi hành gia bay lên quỹ đạo.

Theo các nhà khoa học Nga, nếu độ tin cậy của việc kết nối với Thiên Cung – 1 được khẳng định, Trung Quốc sẽ có cơ hội tham gia vào chương trình ISS và đưa phi hành đoàn thay thế lên trạm, cạnh tranh với Nga trong sứ mệnh này. 

Trung Quốc cũng đang tập trung vào công tác chuẩn bị cuối cùng cho thiết bị thăm dò quỹ đạo Sao Hỏa, sẽ được phóng vào tháng Mười năm nay cùng với tàu đổ bộ Phobos-Grunt của Nga. Ngoài ra, Trung Quốc còn nghiên cứu chế tạo robot tự hành để đưa lên Mặt trăng trong khi đã triển khai hoạt động thăm dò Mặt trăng bằng các thiết bị quỹ đạo. Thậm chí, người Trung Quốc còn tính đến việc phóng tàu thám hiểm có người lái lên Mặt trăng và Sao Hỏa trong tương lai

Trong khoảng một thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã đổ hàng tỷ đô la vào các dự án nghiên cứu vũ trụ và nhanh chóng bám đuổi các cường quốc khác trong cuộc đua chinh phục không gian. Trung Quốc xem chương trình vũ trụ đầy tham vọng của mình là một biểu tượng của tầm vóc toàn cầu mà nước này đang hướng tới. Các phương tiện truyền thông nước này đã dành nhiều trang và thời lượng để nói về sự kiện Thiên Cung – 1 trong suốt nhiều ngày qua, và coi đây là một cột mốc quan trọng của nền khoa học. 

Sự kiện Trung Quốc phóng thành công Thiên Cung – 1 đã được giới chuyên gia Nga nhận định là bước đột phá trong lĩnh vực khoa học, kinh tế lẫn chính trị của nước này. Trong khi đó, các chuyên gia Mỹ tỏ ra khá dè dặt trong phản ứng về vụ phóng thành công module không người lái của Trung Quốc. Một chuyên gia vũ trụ hàng đầu của Mỹ nhận định bản thân sự kiện này chưa phải là một bước tiến đáng kể, nhưng nó thật sự quan trọng đối với việc xác định các điểm gặp trong vũ trụ và các công nghệ kết nối tàu vũ trụ của Trung Quốc trong tương lai.

Phúc Châu 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *