Bên bờ hạnh phúc

Năm 2010 là khoảng thời gian mà thế giới chứng kiến biết bao thay đổi lớn trên mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động trực tiếp đến từng quốc gia, từng vùng lãnh thổ, thậm chí đến mỗi cá nhân chúng ta. Hãy cùng điểm lại 10 sự kiện đáng chú ý nhất.

1. Căng thẳng leo thang trên bán đảoTriều Tiên

Binh lính Hàn Quốc tuần hành trên đảo Yeonpyeong

 

Năm 2010 được các nhà phân tích đánh giá là năm đầy sóng gió đối với bán đảo Triều Tiên. Từ sự kiện chìm tàu Cheonan đến vụ đấu pháo trên đảo Yeonpyeong, căng thẳng không ngừng leo thang và đẩy hai miền Triều Tiên đến bên miệng hố của chiến tranh.

Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên vốn không êm đẹp bỗng dậy sóng khi ngày 23/11, Triều Tiên và Hàn Quốc xảy ra cuộc đấu pháo trên đảo Yeonpyeong khiến 2 binh sĩ và 2 dân thường Hàn Quốc thiệt mạng. Đây là một trong những cuộc xung đột nghiêm trọng nhất giữa hai bên kể từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953. Sợi dây hoà bình trên bán đảo Triều Tiên vốn đã mong manh, nay càng căng như dây đàn và nguy cơ chiến tranh bùng nổ tăng theo từng giờ. Chưa lúc nào người ta lại lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến mới trên bán đảo Triều Tiên như lúc này.

Kể từ sau cuộc đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên, hàng loạt các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là của các bên tham gia vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã liên tục diễn ra. Căng thẳng leo thang trên bán đảo này cũng đã buộc Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc phải tiến hành cuộc họp khẩn cấp để tìm giải pháp tháo ngòi nổ xung đột giữa hai bên. Tất cả các bên có liên quan và cộng đồng quốc tế đều có chung nhận định rằng, tình hình sẽ căng thẳng hơn nếu các bên không dừng ngay các hành động khiêu khích lẫn nhau cũng như các nỗ lực ngoại giao không vì lợi ích chung của toàn khu vực Đông Á.

2. WikiLeaks tiết lộ tài liệu mật của các nước

Ông chủ WikiLeaks Julian Assange tiết lộ tài liệu mật của Mỹ về cuộc chiến tại Afghanistan

 

WikiLeaks là trang thông tin điện tử chuyên thu thập, đăng tải những tài liệu chính trị, quân sự mà các chính phủ và tổ chức trên thế giới xem là tuyệt mật. Năm 2010, WikiLeaks đã gây chấn động mối quan hệ của nhiều nước khi tiết lộ hàng trăm ngàn tài liệu mật về quân sự và ngoại giao của chính phủ Mỹ bị rò rỉ.

Từ khi ra đời năm 2006, WikiLeaks đã công bố nhiều loại tài liệu mật của các nước trên thế giới. Riêng năm 2010, WikiLeaks đã công bố gần 500.000 tài liệu mật của Mỹ về cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq cùng với 250.000 thư tín ngoại giao của các cơ quan và quan chức Mỹ. 

Nổi bật trong số đó là họ đã đưa những đoạn video nhạy cảm, mô tả các binh lính Mỹ xả súng vô tội vạ vào thường dân ở Iraq và Afghanistan vì tưởng rằng đó là các tay súng nổi dậy. Sự việc đã gây ra nỗi bất bình lớn trong dư luận. Ngoài ra, WikiLeaks còn tung lên mạng một loạt những bí mật gây sốc khác. Vụ tiết lộ các tài liệu mật này được ví như là cuộc “Tấn công khủng bố 11/9” nhằm vào nền ngoại giao các nước, nhất là Mỹ.

3. Khủng hoảng nợ công đe dọa khu vực Eurozone

Khủng hoảng nợ công bùng phát và có nguy cơ lan rộng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone

 

Năm 2010 chứng kiến tình trạng khủng hoảng nợ công bùng phát và có nguy cơ lan rộng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone. Hy Lạp là thành viên hứng chịu đầu tiên, sau đó, Ireland rơi vào tình thế phải chấp nhận trợ giúp từ bên ngoài.

Vào tháng 04/2010, các tổ chức xếp hạng tín dụng hàng đầu như Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch Ratings đã hạ bậc trái phiếu chính phủ của Hy Lạp xuống các mức rủi ro cao, đồng thời cảnh báo giới đầu tư có thể mất từ 30 đến 50% vốn nếu như nước này mất khả năng thanh toán. Nhằm cứu nguy cho Hy Lạp, Liên minh châu Âu EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã nhất trí cung cấp cho chính quyền Athens gói hỗ trợ tài chính 110 tỷ euro trong vòng 3 năm.

Ngoài ra, hai tổ chức trên cũng kích hoạt Quỹ Bình ổn Eurozone trị giá 750 tỷ euro với mục tiêu ngăn ngừa cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp lây lan sang các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, 6 tháng sau đó, khủng hoảng vẫn nổ ra tại Cộng hòa Ireland và nguy cơ xuất hiện hiệu ứng domino càng lộ rõ hơn.

Lần này, Ireland vẫn được EU và IMF cung cấp một gói ứng cứu trị giá 85 tỷ euro, nhưng nguy cơ lây lan khủng hoảng vẫn đang đe dọa châu Âu, đặc biệt các nước đang có vấn đề về nợ công như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

4. Giá vàng lập kỷ lục mới: 1.429,4 USD/ounce

Giá vàng đã vươn đến mức kỷ lục của mọi thời đại: 1.429,4 USD vào ngày 06/12

 

Sau 9 năm tăng liên tiếp, năm 2010 tiếp tục chứng kiến cơn sốt giá vàng với rất nhiều lần lập và phá kỷ lục của chính nó. Nếu như vào những ngày đầu năm, giá vàng chỉ chưa đầy 1.100 USD mỗi ounce thì vào ngày 06/12, nó đã vươn đến mức kỷ lục của mọi thời đại: 1.429,4 USD.

Còn nhớ cách đây 10 năm, giá vàng thế giới chỉ vào khoảng 270 USD mỗi ounce. Những biến động kinh tế, thương mại toàn cầu trong những năm qua đã khiến mặt hàng kim loại quý này liên tục lên giá. Trong số những nguyên nhân thổi giá vàng lên cao phải kể đến việc Mỹ đã duy trì lãi suất tín dụng cơ bản ở mức thấp kỷ lục để hỗ trợ đà hồi phục sau thời khủng hoảng tài chính thế giới. Khi nền kinh tế số một thế giới này chưa có dấu hiệu chắc chắn, giới đầu tư tìm đến vàng như một nơi trú ẩn an toàn để bảo toàn nguồn vốn.

Tuy nhiên, đến khi kinh tế Mỹ trở nên khả quan hơn, giá vàng vẫn leo thang do những quan ngại về khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Trong những tháng cuối năm 2010, giá vàng lại tiếp tục chịu sức ép từ việc Trung Quốc siết chặt chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiềm chế tăng trưởng quá nóng

5. Một năm dồn dập nhiều thảm họa do thiên tai

Trận động đất mạnh 7,3 độ richter xảy ra vào ngày 12/01 ngay tại thủ đô Port-au-Prince của Haiti

 

Năm 2010 là năm mà người dân thế giới phải hứng chịu nhiều cơn cuồng nộ kinh khủng của thiên nhiên. Ngay trong tháng đầu của năm, nhiều thảm họa đã ập đến với số thương vong được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử.

Mở đầu năm 2010 là trận động đất mạnh 7,3 độ richter xảy ra vào ngày 12/01 ngay tại thủ đô Port-au-Prince của Haiti. Số người thiệt mạng lên đến 230.000 người. Đây là thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất tại quốc gia được xếp vào loại nghèo nhất khu vực Tây bán cầu này.

Trong khi thế giới còn chưa hết bàng hoàng về sức huỷ diệt ghê gớm của thiên nhiên ở Haiti thì một trận động đất khác mạnh 8,8 độ richter đã tấn công Chile vào ngày 27/02, cướp đi sinh mạng gần 1.000 người.

Thiên nhiên vẫn tiếp tục nổi giận cho đến những tháng cuối năm. Vào tháng 8, hàng triệu người dân châu Á đã bị vùi dập trong bão lũ. Những trận bão lũ tồi tệ nhất Trung Quốc trong vòng một thập kỷ qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.100 người. Tại Pakistan, hơn 1.600 người cũng thiệt mạng và hàng triệu người khác trở nên vô gia cư. Tiếp đến, vào tháng 10, sóng thần, núi lửa ở Indonesia và cháy rừng do nắng nóng ở Nga đã dồn dập tàn phá tài sản và cướp đi mạng sống của hàng ngàn người.

2010 là năm Trái đất có nhiệt độ trung bình cao nhất trong 130 năm qua. Nhiệt độ tại Nga là 37,8oC và tại Pakistan là – 53,5oC.

Thiên tai khủng khiếp là nguyên nhân chủ yếu đã đẩy giá lương thực thế giới lên đến mức cao nhất trong vòng 50 năm trở lại đây.

6. Hội nghị Cancun thông qua gói biện pháp chống biến đổi khí hậu

Logo của COP 16

 

Từ ngày 29/11 đến 10/12, đại diện hơn 190 quốc gia đã tham dự Hội nghị Liên hiệp quốc lần thứ 16 về biến đổi khí hậu, gọi tắt là COP 16 tại thành phố biển Cancun, Đông Nam Mexico. Hội nghị đã nhất trí thông qua gói biện pháp cơ bản chống lại tình trạng ấm lên của toàn cầu và khôi phục lòng tin cho quá trình đàm phán đa phương về vấn đề biến đổi khí hậu.

Tại phiên bế mạc, Ngoại trưởng nước chủ nhà, đồng thời là Chủ tịch Hội nghị, bà Patricia Espinosa đã tuyên bố thông qua các văn kiện liên quan với sự nhất trí cao của các nước, trừ Bolivia – quốc gia duy nhất không đồng ý và cho rằng, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu chưa phản ánh được nội dung do Hội nghị nhân dân Thế giới về biến đổi khí hậu được tổ chức tại Bolivia hồi tháng 4 trước đó đề ra. Trong số các biện pháp được thông qua, nổi bật nhất là việc sáng lập "Quỹ Khí hậu Xanh" để giúp các nước nghèo đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, cơ chế đa phương bảo vệ tài nguyên rừng nhiệt đới, cắt giảm mạnh lượng khí thải và cam kết không có sự đứt quãng giữa giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto đều là những thành công đáng nghi nhận của Hội nghị Cancun.

Tuy nhiên, COP 16 đã không đạt được tiến triển lớn trong việc làm thế nào để gia hạn Nghị định thư Kyoto sau khi nghị định này hết hiệu lực vào năm 2012, cũng như chưa làm rõ được cách thức quyên tiền cho "Quỹ Khí hậu Xanh".

7. Thảm họa kinh hoàng trong lễ hội nước ở Campuchia

Hàng ngàn người chen lấn trong lễ hội Nước

 

Lễ hội Nước là một trong những lễ hội lớn nhất của Campuchia, đánh dấu thời điểm kết thúc mùa mưa và sự đổi dòng chảy giữa sông Tonle Sap và sông Mekong. Tuy nhiên, lễ hội Nước năm 2010 đánh dấu một sự kiện tang tóc khi có đến 351 người thiệt mạng và cũng từng ấy số người bị thương vì giẫm đạp lên nhau trong cơn hoảng loạn.

Thảm họa xảy ra vào khoảng 21h30 ngày 22/11, tức ngày cuối cùng của lễ hội Nước khi hàng ngàn người chen nhau qua cây cầu nối liền trung tâm thành phố Phnôm Pênh với đảo nhân tạo Kim Cương. Nguyên nhân gây tai nạn được xác định do mọi người xô đẩy nhau gây ngạt thở. Thêm vào đó, tin đồn về điện giật và cầu sập khiến mọi người càng thêm hoảng loạn và giẫm đạp lên nhau.

Chính phủ Campuchia đã cử hành quốc tang cho các nạn nhân. Thủ tướng Hun Sen đã gọi đây là "thảm họa tồi tệ nhất ở Campuchia trong hơn 31 năm kể từ khi chế độ Pol Pot sụp đổ".

8. Giải cứu thành công 33 thợ mỏ Chile

Cuộc giải cứu 33 thợ mỏ Chile là hoạt động cứu hộ phức tạp chưa từng có trong lịch sử khai thác mỏ trên thế giới

 

Được xem là hoạt động cứu hộ phức tạp chưa từng có trong lịch sử khai thác mỏ trên thế giới, cuộc giải cứu 33 thợ mỏ Chile bị kẹt suốt 69 ngày đêm bên dưới lòng đất diễn ra vào đêm 12/10 đã thu hút sự quan tâm của mọi người trên khắp thế giới. Có thể nói, cuộc giải cứu thành công thợ mỏ Chile là minh chứng hùng hồn nhất cho niềm tin, ý chí sinh tồn và sự kiên định của con người trước mọi khó khăn.

Vào ngày 05/08, 33 thợ mỏ tại mỏ đồng San Jose ở sa mạc Atacama bị vùi lấp ở độ sâu hơn 700 mét bên dưới lòng đất. Tưởng rằng tất cả đã thiệt mạng sau tai nạn khủng khiếp nhưng kỳ diệu thay, khi niềm hy vọng đã nhạt nhòa thì tin tức về việc các thợ mỏ vẫn còn sống đã khiến cả đất nước Chile vỡ òa trong niềm vui.

Cao điểm của chiến dịch giải cứu phức tạp và kịch tính nhất trong lịch sử Chile đã được bắt đầu vào lúc nửa đêm khi khoang cứu hộ mang tên Phượng Hoàng được đưa xuống nơi 33 thợ mỏ đang bị kẹt. Và sự khát khao, nỗi mong chờ của gia đình 33 thợ mỏ cũng như 17 triệu người dân Chilê đã trở thành hiện thực khi Florencio Avalos, 31 tuổi, người đầu tiên trong nhóm thợ mỏ gặp nạn, đã được giải cứu thành công vào lúc 0 giờ ngày 13/10. Cuộc giải cứu ngoạn mục và nghẹt thở kết thúc sau 22 giờ 42 phút, chỉ phân nửa thời gian so với dự kiến ban đầu.

Ý chí sinh tồn của những người thợ mỏ kiên định cùng những nỗ lực không ngừng của lực lượng cứu hộ, Chính phủ và nhân dân Chile là minh chứng về sức mạnh của niềm tin, sự đoàn kết và sức sống mãnh liệt của con người trước nguy nan.

9. Triển lãm thế giới Thượng Hải 2010

World Expo 2010 là triển lãm lớn nhất và tốn kém nhất trong lịch sử hội chợ triển lãm thế giới

 

Triển lãm thế giới Thượng Hải 2010, gọi tắt là World Expo 2010, là sự kiện lớn không chỉ đối với Trung Quốc mà còn với cả thế giới. Triển lãm đã góp phần mở ra nhiều cơ hội hợp tác quý báu và giao lưu giữa các nước. Đây còn là dịp ghi nhận và chứng kiến những kỷ lục mới của thế giới được thiết lập trong suốt thời gian diễn ra triển lãm.

World Expo 2010 được tổ chức trên hai bờ của sông Hoàng Phố trong thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, kéo dài trong 6 tháng, từ đầu tháng 5 đến hết tháng 10/2010. Với chủ đề chính "Thành phố tươi đẹp hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn", triển lãm tập trung thể hiện sự đổi mới và phương hướng khai thác tiềm năng của đời sống đô thị trong thế kỷ XXI.

Để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này, Trung Quốc đã mất 8 năm và chi 58,6 tỉ đôla Mỹ. Đây là triển lãm lớn nhất và tốn kém nhất trong lịch sử hội chợ triển lãm thế giới, quy tụ sự tham gia của 246 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng các tổ chức quốc tế khác. Triển lãm thế giới Thượng Hải 2010 đã thu hút 72 triệu lượt khách đến tham quan – một con số kỷ lục trong các kỳ hội chợ triển lãm thế giới, mang lại cho thành phố Thượng Hải và những khu vực lân cận 12 tỉ đôla Mỹ riêng từ nguồn thu du lịch.

10. World Cup 2010 ở Nam Phi

World Cup 2010 tràn ngập sắc màu và tiếng kèn vuvuzelas

 

Cứ mỗi 4 năm, các fan hâm mộ bóng đá lại có cơ hội thưởng thức một bữa tiệc hoành tráng. Năm 2010, bữa đại tiệc ấy diễn ra tại Nam Phi, quốc gia đầu tiên của Châu Phi đăng cai vòng chung kết World Cup từ ngày 11/06 đến ngày 11/07.

Rất nhiều bài quốc ca đã được xướng lên để ủng hộ tinh thần cho các đội tuyển tham gia Giải vô địch bóng đá thế giới này nhưng, âm thanh được nghe nhiều nhất và nhắc đến nhiều nhất không phải là âm thanh của những bài quốc ca hay tiếng reo hò của các cổ động viên cuồng nhiệt mà lại là tiếng kèn vuvuzelas. Tiếng kèn này xuất hiện khắp nơi ở Nam Phi trong mùa World Cup, từ sân cỏ ra đến đường phố, từ trong nhà ra đến quán rượu.

World Cup 2010 cũng là dịp để các fan hâm mộ trên toàn thế giới phô diễn màu sắc riêng của đội tuyển quốc gia mình. Phố xá Amsterdam, Hà Lan trở nên rực rỡ sắc cam khi các cổ động viên trong trang phục cam tràn xuống đường để ủng hộ đội nhà đang thi đấu ở Nam Phi. Hay cả một biển đỏ xuất hiện trong trận đấu giữa Hàn Quốc và Argentina.

Tuy nhiên, hấp dẫn nhất trong sự kiện World Cup 2010 có lẽ là sự xuất hiện của các “nhà tiên tri” động vật có khả năng dự đoán kết quả của các trận đấu. Chú bạch tuộc Paul đã trở thành một trong những ngôi sao sáng giá nhất của World Cup khi nó dự đoán chính xác kết quả của 8/8 trận của vòng chung kết.

World cup 2010 khép lại bằng trận so tài giữa giữa Hà Lan – Tây Ban Nha tại sân vận động Soccer City. Nhưng chiến thắng chỉ dành cho đội bóng xuất sắc hơn nhờ khoảnh khắc lóe sáng của Iniesta ở phút 115. Trong giây phút Iniesta ghi bàn duy nhất hạ gục Hà Lan, cả đất nước Tây Ban Nha, vốn đang ngập chìm giữa cuộc khủng hoảng kinh tế, như vỡ òa. Những dũng sĩ đấu bò đã khắc tên mình vào lịch sử vì đây là lần đầu tiên Tây Ban Nha giành được cúp vàng thế giới.

THVL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *