Bên bờ hạnh phúc

Sau 13 năm, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) mới đây đã tiếp nhận một nhóm phi hành gia tập sự mới trong hơn 22.500 đơn ứng tuyển. Đáng chú ý, trong số đó có một ứng viên sẽ trở thành nhà du hành khuyết tật đầu tiên trên thế giới. Việc ESA tuyển dụng phi hành gia đặc biệt này đã truyền đi thông điệp rằng, người khuyết tật cũng có khả năng chinh phục những giấc mơ, dù khó khăn nhất.

John McFall – Phi hành gia khuyết tật đầu tiên trên thế giới

ESA đã chọn anh John McFall – một cựu vận động viên điền kinh khuyết tật người Anh, 41 tuổi – trở thành 1 trong 17 người được đào tạo để trở thành phi hành gia. Quyết định này đã giúp John McFall trở thành người khuyết tật đầu tiên có cơ hội trở thành phi hành gia chính thức, có thể sinh sống và làm việc ngoài không gian như những nhà du hành bình thường khác.

Anh John Mcfall – Phi hành gia tập sự chia sẻ: “Tôi vô cùng phấn khích và tự hào khi mình đã vượt qua quá trình tuyển chọn. Là một người khuyết tật, tôi nghĩ rằng việc mình trở thành một phi hành gia là rất khó khăn. Vì vậy tôi đang rất hạnh phúc.”

Sau vụ tai nạn lấy đi một chân của John McFall vào năm 18 tuổi, vận động viên điền kinh này đã không ngừng nỗ lực tập chạy trở lại với chân giả. Kết quả, vào năm 2008, John McFall giành được huy chương đồng ở nội dung chạy 100 mét tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic. Ngoài ra, anh John McFall còn cố gắng học tập và trở thành một bác sĩ chuyên khoa chấn thương, chỉnh hình để giúp đỡ những người khuyết tật giống như mình.

Anh John Mcfall – Phi hành gia tập sự chia sẻ thêm: “Tất cả những khó khăn trong cuộc sống đã cho tôi niềm tin và sức mạnh, khả năng tin vào chính mình rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn. Thông điệp mà tôi muốn gửi đến các thế hệ tương lai là khoa học dành cho tất cả mọi người và du hành vũ trụ cũng vậy.”

Theo kế hoạch, mùa xuân năm 2023, anh John McFall sẽ bước vào chương trình đào tạo kéo dài 12 tháng tại Trung tâm Phi hành gia Châu Âu ở Cologne, Đức. Sau đó, phi hành gia này sẽ cùng 11 đồng nghiệp thực hiện dự án nhằm đưa các phi hành gia khuyết tật lên vũ trụ và tham gia vào các sứ mệnh trong tương lai.

Tiến sĩ David Parker – Giám đốc đơn vị Thám hiểm Con người và Robot tại ESA thông tin: “Sự đa dạng được thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Việc bạn bị khuyết tật không phải lý do để bạn bị loại và đây cũng là một phần của dự án rất đặc biệt mà chúng tôi đã khởi động./.”

Minh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *