Bên bờ hạnh phúc

Kịch múa mặt nạ Lakhon Khol ra đời vào nhiều thế kỷ trước ở Campuchia. Gần đây, trước sự phát triển của những hình thức giải trí hiện đại, các sân khấu của loại hình kịch truyền thống này đang ngày càng vắng khách. Do vậy mà việc bảo tồn và lưu truyền di sản văn hóa này đã trở thành niềm trăn trở của nhiều nghệ nhân kịch múa mặt nạ ở đất nước chùa tháp.


Những chiếc mặt nạ trang trí phức tạp này được trưng bày trang trọng tại khách sạn Sokha ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Đây là địa điểm đang diễn ra Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan. Nghệ sĩ Taming Suon muốn nhân dịp này để quảng bá hơn nữa loại hình nghệ thuật múa Lakhon Khol độc đáo ra thế giới.
“Chúng tôi trưng bày ở đây 30 chiếc mặt nạ đại diện cho những nhân vật trong kịch múa mặt nạ Lakhon Khol. Chúng tôi muốn giới thiệu loại hình văn hóa này đến các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị.”
Múa đóng vai trò quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của Lakhon Khol. Các động tác múa thể hiện sự hùng dũng, thiết tha, dứt khoát và gợi cảm trên nền nhạc cổ. Đạo cụ đại diện cho loại hình nghệ thuật này chính là những chiếc mặt nạ đầy màu sắc, được vẽ công phu. Thế nhưng, theo thời gian, số nghệ sĩ có khả năng biểu diễn Lakhon Khol ngày càng ít trong thế hệ trẻ ở Campuchia. Chính vì thế, năm 2018, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã đưa Lakhon Khol vào Danh sách những di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.


Là một nghệ sĩ múa Lakhon Khol, anh Taming Suon cũng cho rằng việc truyền dạy có ý nghĩa sống còn đối với bộ môn nghệ thuật này. Để góp phần nâng cao nhận thức của giới trẻ trong việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, anh Taming Suon đã tìm đến 1 nghệ nhân để học làm mặt nạ, sau đó anh đã mở xưởng làm mặt nạ và sáng tạo đủ mọi sản phẩm để phục vụ nhu cầu trong nước và cả du khách nước ngoài.

“Điều khiến tôi tạo ra những chiếc mặt nạ, trước tiên do tôi là một nghệ sĩ Lakhon Khol. Kế đến, Lakhon Khol đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và cần được bảo tồn.”
Nhiều loại mặt nạ độc đáo của nghệ sĩ Taming Suon đã thực sự thu hút sự quan tâm của công chúng.
“Tôi mua những chiếc mặt nạ Lakhon Khol để trang trí trong nhà cũng như để quảng bá di sản văn hóa của đất nước. Tôi mong muốn thế hệ trẻ sẽ không quên nét văn hóa này.”

Minh Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *