Bên bờ hạnh phúc

Vùng đất trên địa phận VN gần mỏ vàng ở Okvau, tỉnh Mondulkiri, Campuchia cũng có triển vọng khai thác vàng

Dư luận đang rất quan tâm một công bố mới đây của Cơ quan Tài nguyên khoáng sản thuộc Bộ Công nghiệp – Khai thác mỏ – Năng lượng Campuchia về một mỏ vàng cho trữ lượng 8,1 triệu tấn quặng được tìm thấy ở khu vực Okvau, tỉnh Mondulkiri, phía Đông Bắc Campuchia mà Công ty Khai khoáng OZ Minerals (Úc) tiến hành thăm dò. Khu vực của mỏ vàng này giáp với khu vực Tây Nguyên của VN.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản VN (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng trữ lượng được công bố trên cần được kiểm chứng. Theo ông Thuấn, đối với khu vực thuộc VN giáp ranh với mỏ Okvau chưa phát hiện nơi nào có trữ lượng vàng lớn đến như vậy. Ngay cả ở Nam Phi có mỏ vàng khai thác tới 90 năm qua nhưng cũng không thể đạt trữ lượng này.

Theo thạc sĩ Nguyễn Trường Giang, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất xạ hiếm – Cục Địa chất và Khoáng sản VN, ngay ở khu vực gần ngã ba Đông Dương, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, không xa mỏ vàng vừa được phát hiện ở Campuchia, từ kết quả điều tra ban đầu đã phát hiện nhiều khu vực có vàng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả điều tra cơ bản, chưa phải kết quả thăm dò.

Campuchia nằm trong nhóm các quốc gia có nhiều trữ lượng vàng nhất. Có những vùng rộng tới hàng trăm ngàn hecta rất có triển vọng khai thác vàng. “Đối với VN, có thể khẳng định dọc biên giới với Lào và Campuchia rất có triển vọng về vàng. Như Quảng Nam, Sa Thầy – Kon Tum… rất nhiều nơi đã tìm thấy vàng” – ông Giang chia sẻ. Về khu vực có trữ lượng vàng nhiều nhất VN, ông Giang cho biết đó là vùng Bồng Miêu (Tam Lãnh, Phú Ninh, Quảng Nam). Khu vực miền núi thuộc dãy Trường Sơn Đông từ Thừa Thiên – Huế đến Khâm Đức (Phước Sơn, Quảng Nam), Sa Thầy – Kon Tum… cũng có nhiều triển vọng về nguồn kim loại quý giá này.

Theo ông Giang, cho đến nay chưa có đề án điều tra một cách tổng thể về khả năng khai thác vàng và trữ lượng trên toàn VN. Khả năng khai thác vàng sa khoáng ở VN rất lớn, xuất hiện rất nhiều trên các sông, suối trải dài ở cả ba miền. Trong khi đó, khai thác vàng gốc mới đem lại giá trị cao. Nhưng điều đáng chú ý là khai thác được vàng sa khoáng thì đương nhiên ở khu vực đó phải có vàng gốc. Thông thường hàm lượng 2 gr vàng/tấn quặng là có thể tiến hành khai thác.

Theo Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *