Bên bờ hạnh phúc

Gặp người sống qua ba thế kỷ

Lũng Vân còn có tên gọi khác là Thung Mây, nghĩa là thung lũng mây trắng. Xứ sở nóc nhà xứ Mường này nằm ở độ cao khoảng 1.200 m, bao quanh là núi Tiên, núi Trâu, núi Pó.

Một góc “thung lũng mây trắng”.

Chúng tôi đến xóm Nghẹ đúng lúc người dân nơi đây đang tưng bừng trong buổi khai trương nhà văn hóa thôn. Trưởng thôn chính là cháu cụ bà Đinh Thị Hệu, người thọ nhất “thung lũng mây trắng”: 112 tuổi. Từ nhà văn hóa thôn, ngược dốc đi bộ lên nhà cụ Hệu chỉ mất vài trăm mét. Tiếp chúng tôi là người con thứ sáu của cụ Hệu – ông Đinh Văn Nhiển (gần 70 tuổi), một thầy lang. Ông cho biết mệ (mẹ) ông sinh được chín người con, hiện có ba người còn sống, trong đó con thứ tư của cụ Hệu năm nay đã 80 tuổi. Ba con đầu của cụ Hệu chết bởi căn bệnh đậu mùa lúc còn trẻ. Hỏi về tổng “dân số” của đại gia đình, ông Nhiển vỗ trán một hồi: “Mệ tôi có trên 100 con, cháu, chắt, chít. Họ sinh sống ở khắp nơi, từ Đông Bắc, Tây Nguyên đến tận miền Nam. Những dịp lễ tết, căn nhà sàn năm gian dường như chẳng đủ cho con cháu tề tựu”.

Cụ Hệu không nói được tiếng Kinh nhưng nhờ có ông Nhiển phiên dịch nên tôi may mắn được trò chuyện với người sống qua ba thế kỷ. Cụ Hệu đang lom khom quét dọn bếp, cạnh bếp là chiếc giường nơi cụ thường nằm nghỉ. Vừa đun xoong nước cây rừng cụ vừa nói: Hằng ngày, mỗi bữa chính cụ vẫn ăn đều hai chén cơm. Xen kẽ với các bữa chính, cụ ăn thêm hai gói mì tôm, uống hai ly rượu thuốc Nam. Cụ thường uống nước râu bắp và ruột bắp non trồng sau nhà.

Ông Nhiển cho biết cụ bà và cụ ông bằng tuổi nhau nhưng cụ ông mất cách đây gần 40 năm rồi. Từ đó, cụ bà về sống với gia đình ông. Bốn năm trước, cụ Hệu vẫn lên nương trồng bắp. Hơn một năm trở lại đây, thi thoảng cụ Hệu mới bước xuống chín bậc cầu thang để tắm nắng. Trong những ngày đông, cụ thường ngồi sưởi ấm bên bếp lửa luôn đun nước cây rừng cho cả nhà uống, như người xuôi uống trà. Sắp bước sang tuổi 113 nhưng cụ vẫn khá minh mẫn, cụ xỏ được kim và còn khâu vá. Ông Nhiển vui vẻ kể tiếp: “Cụ nhà tôi cũng ít khi bệnh vặt. Khi bệnh cụ chỉ uống thuốc Nam, chưa bao giờ cụ dùng thuốc Tây. Cụ nhà tôi sợ tiêm lắm!”.

Lũng Vân – Xứ trời ban phúc

Người Lũng Vân có vẻ rất tự hào khi nói mảnh đất này là nơi cổng trời, được trời ban phúc cho sống lâu trăm tuổi.

Ông Hà Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Lũng Vân, cho biết: “Lũng Vân hiện có bốn cụ sống trên trăm tuổi, ba cụ trên trăm tuổi khác mới mất. Có khoảng mười cụ cũng đang tiến tới “mốc” gần 100 tuổi. Thọ từ 80 tuổi trở lên cũng tới vài chục cụ, người sống dưới 80 tuổi thì không được coi là thọ. Mỗi dịp tết đến xuân về, lãnh đạo xã phải chia nhau đi để trao quà”. Theo ông Thọ, ngày trước xứ Lũng Vân đói lắm, dân thường phải ăn sắn, nâu, bắp. Bây giờ được nhà nước hỗ trợ vốn sản xuất, xây dựng công trình nên bà con có nhiều lúa gạo, bữa ăn phong phú hơn.

Lũng Vân quanh năm mây mù phủ kín, tiết trời lạnh. Vào những ngày hè ở dưới xuôi, trên Lũng Vân lại có hai mùa: Đêm và sáng tiết trời lạnh như mùa đông; lúc trưa và chiều thì trời dịu mát như mùa thu. Người dân nơi đây coi chăn bông, đệm và quần áo ấm là những thứ tài sản đặc biệt. Đi quanh các gia đình ở xóm Nghẹ, chúng tôi thấy rất nhiều nhà nuôi heo già, nặng từ 150 kg đến 200 kg. Hỏi ra mới biết theo tục ở đây, gia đình nào có người sống thọ, họ luôn chuẩn bị sẵn một con heo khi người già qua đời. Chẳng thế mà nhà ông Nhiển nuôi một con heo già đã hơn ba năm, nặng trên 200 kg, hai cái răng dài cỡ ngón tay người lớn.

Cụ Đinh Thị Hệu (112 tuổi).

Đa số người dân xứ này dùng nước dẫn từ trên núi cao hơn 1.000 m xuống. Trừ khi đun sôi để uống với cây rừng hoặc đun nóng uống trong ngày đông, người Lũng Vân chỉ uống nước lã (không đun sôi). Người Lũng Vân coi nguồn nước như là thứ lộc trời ban, uống mát tận da thịt. Có lẽ vì thế mà con gái Lũng Vân có nước da trắng hồng. Khi thấy tôi ngỏ ý muốn thử thứ nước được coi là “lộc trời”, chị Mai Chi (cháu cụ Hệu) cười nói: “Anh cứ uống đi sẽ biết, nó ngon bằng vạn thứ nước thiên nhiên đóng chai ở dưới xuôi”. Quả thực, với một người không quá tinh tế như tôi cũng cảm nhận được nguồn nước này có vị ngọt ngọt, rất ưa uống. Cùng một loại nhưng rau, lá ở Lũng Vân có mùi thơm đậm đà hơn, vị ngọt hơn.

Ông Nhiển tự hào khoe mình là thầy lang có chứng nhận của nhà nước. Ông học nghề thuốc từ cha mình. Ông bảo người Mường xứ này ai cũng biết ít nhiều về các bài thuốc Nam. Thuở trước ở Lũng Vân, bước ra khỏi nhà là có cây thuốc nhưng bây giờ muốn hái phải vào rừng, phải trồng. Theo ông Nhiển: “Từ xa xưa ở xứ này, phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ thường uống nước cây ngạnh. Loại cây này có tác dụng kích thích ăn uống, cầm máu, giảm đau. Khi sinh nở, mẹ và con đều rất khỏe, có sức đề kháng tốt”. Tôi tự hỏi “bí quyết” sống thọ của người Lũng Vân phải chăng là nguồn nước, là những cây thuốc quý mà chỉ nơi này mới có?

Chúng tôi rời Lũng Vân lúc chiều muộn, mây trắng sà xuống mịt mù dày đặc, ngập đường, văng vẳng bên tai tôi là câu hát của người con gái đất Mường: “Ai lên Lũng Vân còn nhớ. Mây mù che không thấy lối về”.

Theo Pháp luật TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *