Bên bờ hạnh phúc

Chiều 17/6, với đa số phiếu tán thành Quốc hội nhất trí từ 1/7/2011 sẽ không tiếp tục áp dụng biện pháp xử bắn tử tù mà thay vào đó là tiêm thuốc độc.

Luật thi hành án hình sự được Quốc hội thông qua ngày 17/6 nêu rõ, quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc sẽ do Chính phủ quy định. Trước khi bị đưa ra thi hành án tử hình, người chấp hành án được ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói gửi lại thân nhân.

Việc mai táng và quản lý mộ của người đã bị thi hành án do cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu cùng chính quyền xã nơi thi hành án có trách nhiệm thực hiện.

Một thanh niên bị tuyên án tử hình do có hành vi hiếp dâm, giết người. Ảnh: Tam Rồng.

Luật quy định, nếu thân nhân hoặc đại diện của tử tù có nhu cầu nhận tử thi về an táng thì phải làm đơn gửi chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm. Trong đơn cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí…

Trên cơ sở xem xét, chánh án sẽ thông báo bằng văn bản đồng ý hoặc không khi có căn cứ cho rằng việc nhận này ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường. Việc giao nhận tử thi sẽ được thực hiện trong 24 giờ kể từ khi thông báo; hết thời hạn này mà người có đơn đề nghị không đến nhận thì cơ quan thi hành án hình sự có trách nhiệm an táng.

Về việc tiêm thuốc độc tử tù, Ủy ban Thường vụ đánh giá trong các hình thức được áp dụng hiện nay thì nó ít gây đau đớn cho cho người bị thi hành án. Tiêm thuốc độc đảm bảo tử thi còn nguyên vẹn, ít tốn kém và giảm áp lực tâm lý cho người trực tiếp thi hành án. Kinh nghiệm các nước đã áp dụng hình thức này cho thấy, công nghệ sử dụng việc tiêm thuốc độc cũng đơn giản, dễ thực hiện. Do vậy, qua thảo luận trong kỳ họp vừa qua, đa số đại biểu đã tán thành việc thay thế xử bắn tử tù bằng tiêm thuốc độc.

Một quy định quan trọng khác tại dự án luật mới này là cho phép phạm nhân được gọi điện thoại liên lạc trong nước với thân nhân, bên cạnh việc được gửi thư. Theo đó, mỗi tháng một lần họ được trực tiếp trao đổi điện thoại với người thân trong thời gian tối đa 5 phút. Chi phí liên lạc do phạm nhân tự chịu.

Nếu phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công còn được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng trong vòng 24 giờ.

Nhiều quy định về cuộc sống, sinh hoạt của phạm nhân cũng được quy định chi tiết trong luật. Chẳng hạn, nếu họ chưa biết chữ sẽ được học văn hóa; thời gian lao động và học tập không quá 8 giờ một ngày; có quyền được biết thông tin về thời sự, chính sách, pháp luật…

Luật thi hành án hình sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, thay thế Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thi hành án phạt tù năm 2007.

Trong ngày hôm qua, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật thuế nhà, đất; Luật con nuôi; Luật bưu chính, Luật dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật người khuyết tật; Luật an toàn thực phẩm và Luật trọng tài thương mại.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *