Bên bờ hạnh phúc

Lấy mẫu 7.608 sợi dây chuyền, lắc tay, nhẫn xi mạ để xét nghiệm, Đội quản lý thị trường quận 5 (5B), TP HCM nhận được kết quả chỉ có 105 chiếc an toàn cho sức khỏe. Số còn lại đều nhiễm kim loại độc hại là chì và cadimi.

Số nữ trang nêu trên được Đội 5B phát hiện đang bày bán tại bốn cửa hàng ở hai chợ Hòa Bình và An Đông (quận 5) hôm 19/1. Mỗi chủng loại được lấy một mẫu để đi xét nghiệm các chất độc hại do trước đó, nữ trang xi mạ cho trẻ em của Trung Quốc được một giáo sư ở Đại học Ashland ở bang Ohio (Mỹ) phát hiện có chứa chất kim loại nặng độc hại cadimi.

Loại nữ trang xi mạ có chứa cadimi và chì được Đội 5B phát hiện. Ảnh: Thiên Chương.

Đại diện Đội quản lý thị trường 5B cho hay, trong 14 mẫu đại diện của các sản phẩm được xét nghiệm bởi Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3, chỉ có một mẫu loại lắc đeo tay mạ bạc (105 chiếc) không thấy độc chất. 7.503 sản phẩm còn lại gồm dây chuyền, lắc đeo tay, bông tai xi mạ vàng đều dính chì và cadimi. Đặc biệt, hàng nghìn chiếc lắc tay xi vàng có hàm lượng cadimi đến 17,7 mg/kg, hàm lượng chì là 665 mg/kg; dây chuyền mạ vàng có hàm lượng cadimi 25,9 mg/kg, hàm lượng chì là 359 mg/kg.

Cũng theo Đội 5B, số nữ trang xi mạ có độc chất vốn có xuất xứ từ Trung Quốc và trong thời điểm kiểm tra, nơi bán không trình được hóa đơn chứng từ. Hiện số nữ trang có độc đang được lưu giữ chờ tiêu hủy.

Theo các chuyên gia ngành hóa, cadimi hay còn gọi là cadmium, cadmin – viết tắt Cd là một kim loại nặng có mặt trong đất và nước dưới dạng sulfua lẫn với carbonat kẽm. Trong sản xuất, cadimi dùng chế biến sơn, phẩm màu công nghiệp, mạ điện, là chất chống ăn mòn. Ngoài ra, người ta còn có thể dùng cadimi làm vật liệu mạ đánh bóng, do đó cadimi có thể nhiễm vào sản phẩm.

Cadimi là một chất gây độc cho đối với con người. Nếu tiếp xúc với lượng lớn, cadimi có thể gây ngộ độc cấp. Biểu hiện thường thấy là đau thắt ngực, khó thở, chậm nhịp tim, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Tiếp xúc lâu dài có thể làm rối loạn chức năng gan, đau xương, thiếu máu, tăng huyết áp, nếu có thai thì bị dị dạng thai. Với trẻ em, việc nhiễm lâu ngày có thể làm chậm phát triển xương, còi xương. Ngoài ra, đây còn là chất có thể gây ung thư.

Theo "Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm" của Bộ Y tế, lượng cadimi cho phép đối với các vật dụng chứa thực phẩm là không quá 0,2 mg/kg, với các vật dụng đun sôi là không quá 0,7 mg/kg; một số loại thực phẩm cũng cho phép có cadimi nhưng hàm lượng không được quá 1 mg/kg.

Đối với các loại trang sức, cadimi dù không dễ bị nhiễm độc vào cơ thể như ăn uống, tuy nhiên theo các kỹ sư hóa học, việc tiếp xúc lâu ngày với những sản phẩm có hàm lượng cadimi cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. "Nguy hiểm hơn cả là phụ huynh mua các loại trang sức xi mạ cho trẻ bởi các em thường có thói quen ngậm vào miệng", một kỹ sư nói.

Khảo sát của PV tại TP HCM cho thấy, mặt hàng nữ trang xi mạ được bày bán tràn lan từ các chợ đầu mối như Bến Thành (quận 1), An Đông (quận 5), Bình Tây (quận 6), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)… cho đến các chợ nhỏ, thậm chí các chợ tạm quanh các khu công nghiệp có nhiều nữ công nhân.

Hàng trang sức xi mạ được bày bán thuộc nhiều chủng loại với mẫu mã đa dạng từ nhẫn vàng, dây chuyền mạ vàng, lắc đeo tai, bông tai, dây thắt lưng… Giá mỗi chiếc từ vài chục nghìn đồng đến ngoài 100 nghìn đồng.

Trang sức xi bạc vừa được phát hiện tại chợ An Đông trưa 24/3. Ảnh: Thiên Chương.

Ông Ngô Văn Tùng, Đội trưởng đội quản lý thị trường quận 5, cho biết, hầu hết các kiện hàng trang sức mà cơ quan này phát hiện và tịch thu được đều do Trung Quốc sản xuất và không có hóa đơn chứng từ.

Cụ thể trưa 24/3, Đội 5B tiếp tục phát hiện hai sạp ở chợ An Đông (quận 5) đang bày bán các mặt hàng trang sức xi mạ không hóa đơn chứng từ. Số trang sức bị tịch thu khoảng 1.000 chiếc, bao gồm lắc, dây chuyền, dây đeo cổ. Đội tiếp tục lấy mẫu của các loại sản phẩm trên mang đi xét nghiệm.

Vài tuần trước, tại một số chợ trên địa bàn, Quản lý thị trường TP HCM cũng đã thu giữ khoảng 20 nghìn món trang sức xi mạ không có hóa đơn chứng từ.

Chưa thể chứng minh được mức độ thôi nhiễm chất độc của đồ trang sức xi mạ vào cơ thể, tuy nhiên trước kết quả xét nghiệm cho thấy nhiều sản phẩm có chứa kim loại độc hại ở hàm lượng cao, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân phải thật cẩn trọng, thậm chí nếu không cần thiết thì không nên sử dụng những sản phẩm xi mạ rẻ tiền, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *