Bên bờ hạnh phúc

Tiền lương bình quân năm 2008 cao nhất thuộc về các tập đoàn kinh tế với 4,5 triệu đồng một tháng, thấp nhất là khối doanh nghiệp dân doanh với hơn hai triệu đồng một tháng.

Đây là những số liệu được Vụ Lao động – Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổng hợp từ báo cáo về tình hình tiền lương, tiền thưởng năm 2008 của 64 tỉnh, thành phố trong cả nước. Báo cáo cũng cho biết, đến nay vẫn còn khoảng 10% doanh nghiệp (doanh nghiệp) chưa có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động.

Doanh nghiệp dân doanh đứng ‘bét’

Tổng hợp của Vụ Lao động – Tiền lương cho thấy, dù chịu nhiều ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nhưng tiền lương của khối doanh nghiệp vẫn tăng 16% so với 2007, đạt mức bình quân 2,5 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, nếu so với chỉ số tăng giá tiêu dùng 22,97% năm 2008, tiền lương thực tế của người lao động lại giảm 6,97%.

Trong khối trên, bình quân tiền lương tại các tập đoàn kinh tế đạt 4,5 triệu đồng một tháng, các tổng công ty nhà nước đạt 3,5 triệu đồng một tháng, doanh nghiệp nhà nước là 2,95 triệu đồng một tháng, doanh nghiệp FDI là 2,65 triệu đồng một tháng.

Tiền lương bình quân thấp nhất thuộc về khối doanh nghiệp dân doanh với 2,05 triệu đồng một tháng.

Năm 2008 cũng là năm đánh dấu việc nhiều doanh nghiệp không tìm được đơn hàng nên hoạt động kinh doanh ngừng trệ, phải cắt giảm 22.000 lao động. Điển hình là một số địa phương như Hà Nội: 5.600 người, Hải Phòng: 3.700 người; Đồng Nai: 3.400 người… Tại nhiều doanh nghiệp, tuy công nhân chưa phải nghỉ việc nhưng do ít đơn hàng nên phải nghỉ luân phiên, hoặc một tuần phải nghỉ việc một, hai ngày, nên mức lương không đảm bảo.

Ngoài ra, tại TP HCM có bốn chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước, khiến người lao động không đòi được tiền lương như Công ty TNHH Anjin, Công ty TNHH Vina Haeng Woon Industry, Công ty TNHH Quang Sung Vina. Tỉnh Bình Dương có hai doanh nghiệp Hàn Quốc bỏ trốn là Công ty TNHH Jungdawa, Công ty TNHH JS Vina. Vũng Tàu và Long An mỗi tỉnh có một chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước.

Các doanh nghiệp trên ngoài nợ lương công nhân còn nợ bảo hiểm xã hội, nợ ngân hàng, tiền thuê mặt bằng… với số tiền hàng tỷ đồng.

Theo ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Lao động – Tiền lương, tài sản của các công ty này đều bị tẩu tán hoặc không có giá trị nên không còn gì để thanh lý, do vậy việc giải quyết tiền lương, hỗ trợ mất việc cho số công nhân của các công ty rất khó khăn.

Chênh lệch về thưởng Tết lên đến 138 lần

Theo ông Huân, hiện vẫn còn 10% doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng cho người lao động. Đây đều là những đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tài chính.

Lương cao nhất thuộc về các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ảnh minh họa.

 Ông Huân cho biết, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như Liên đoàn Lao động các tỉnh sẽ vận động chủ doanh nghiệp cố gắng có thưởng Tết cho lao động dù nhiều hay ít. Tuy nhiên, khó có thể bắt ép các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, làm ăn thua lỗ chi thưởng Tết.

Mức thưởng bình quân trong dịp Tết Kỷ Sửu của ba loại hình doanh nghiệp tương đương nhau, khoảng 1,5, 1,6 triệu đồng một người (tương đương hai phần ba tháng lương bình quân và bằng mức thưởng bình quân năm 2008).

Các mức thưởng cao nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn luật, quảng cáo triển lãm, vận tải biển, sản xuất và kinh doanh đồ uống. Trong đó, mức cao nhất là 330 triệu đồng (năm 2007 cao nhất là 240 triệu) thuộc về doanh nghiệp của TP HCM.

Mức thưởng bình quân thấp nhất là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, dệt may, da giày có nơi chỉ có 50.000 – 100.000 đồng.

Theo đánh giá, mức tiền lương, tiền thưởng của người lao động vẫn có sự chênh lệch khá lớn và có xu hướng tăng lên giữa các nghề, loại lao động. Đối với lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, lao động quản lý giỏi đóng góp nhiều vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh thì mức lương, mức thưởng cao hơn nhiều lần so với mức trung bình và so với lao động giản đơn.

Chênh lệch giữa người có tiền thưởng cao nhất so với mức trung bình tại Hà Nội là 25 lần, tại TP HCM: 138 lần, tại Đà Nẵng: 46 lần và tại Bình Dương: 39 lần…Theo ông Huân, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tiếp tục khảo sát, tổng hợp tình hình để báo cáo Chính phủ tìm hướng giải quyết, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Tại TP HCM, người có mức thưởng cao nhất trong doanh nghiệp FDI là 330 triệu đồng (tư vấn luật) và doanh nghiệp dân doanh: 52 triệu đồng (ngành quảng cáo, triển lãm).

Tại Hà Nội, doanh nghiệp FDI thưởng cao nhất là 80 triệu đồng (sản xuất đồ uống), doanh nghiệp dân doanh: 5 triệu đồng, doanh nghiệp Nhà nước: 30 triệu đồng (ngành kinh doanh dịch vụ).

Tại Đà Nẵng, doanh nghiệp dân doanh cao nhất là 16 triệu đồng, doanh nghiệp Nhà nước: 17 triệu đồng và doanh nghiệp FDI là 95,5 triệu đồng (sản xuất, kinh doanh đồ uống).

Tại Đồng Nai, mức thưởng cao nhất ở doanh nghiệp FDI: 40 triệu đồng, tại Bình Dương là 47,3 triệu đồng, doanh nghiệp Nhà nước là 46 triệu đồng và doanh nghiệp dân doanh là 9,2 triệu đồng.

Theo Thanh Hải (Đất Việt)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *