Bên bờ hạnh phúc

Năm 2006, Eleanor Clapham mê hoặc khán giả Việt Nam khi múa, hát tuồng và chèo tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Lần trở về này, chị mang đến cho người xem điều bất ngờ gì?

– Sau 4 năm ấp ủ, tôi quay trở lại Việt Nam để diễn những sáng tác của mình cùng dàn nhạc hiện đại và truyền thống mang phong cách mới, trẻ. Tất cả giai điệu, trang phục, âm nhạc và múa đều thể hiện sự kết hợp giữa văn hóa phương Tây và phương Đông. Khán giả sẽ thấy trong ca khúc Trở lại có giai điệu nhạc của Thị Màu lên chùa, ca khúc Điên lấy cảm hứng từ đoạn chèo Xúy Vân giả dại hoặc bài hát Ru anh có lời tiếng Anh hiện đại nhưng phần nhạc dựa trên giai điệu hát ru Bắc bộ ngọt ngào. Trong buổi biểu diễn sắp tới, tôi muốn hát tất cả bài hát của tôi bằng cả lời Việt và Anh, bởi tôi muốn tất cả khán giả Việt Nam và du khách quốc tế đều hiểu được lời của bài hát.

Eleanor Clapham cho biết sẽ dành doanh thu liveshow Trở lại cho quỹ từ thiện giúp trẻ em đường phố KOTO, với mong muốn làm thêm điều gì có ý nghĩa cho Việt Nam, nơi chị coi là quê hương thứ hai của mình.

Sau khi có được vốn tuồng và chèo kha khá, Eleanor Clapham trở về Australia làm thêm tại nhà hàng, khách sạn để kiếm tiền với mục đích quay lại Việt Nam học tiếp. Thời gian đó, khán giả đón nhận các show diễn của chị ở Australia và một số nước khác ra sao?

– Tôi có đi diễn trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hóa cáo tại một số nơi như bảo tàng, festival, chùa Việt Nam… tại Australia. Tôi còn mang đĩa ghi hình tôi biểu diễn mấy trích đoạn tuồng cho gia đình, thầy cô và bạn bè xem. Ai cũng thích và thấy lạ. Tình cờ, ông giám đốc nhà hát Bennu xem và thấy rất hay nên mời tôi vào nhà hát biểu diễn. Không dừng lại ở đó, tôi đi Singapore diễn ba trích đoạn chèo Thị Màu lên chùa, Xúy Vân giả dại, Thị Kính vu quy.

Eleanor Clapham (hàng đầu tiên) đang luyện tập tại Hà Nội để chuẩn bị cho liveshow Trở lại. Ảnh: Trung Kiên

Những thử nghiệm này của tôi được khán giả thế giới đón nhận nhiệt tình. Họ thích nhạc, thích múa và đặc biệt thích câu chuyện của những nhân vật như Thị Màu, Xúy Vân, Hồ Nguyệt Cô. Nhưng những trích đoạn đó tôi đều hát bằng tiếng Việt nên không ai hiểu nên họ nói với tôi rằng, giá như hiểu được lời bài hát thì sẽ tuyệt vời hơn nhiều. Do đó, với mong muốn ai cũng có thể hiểu và chia sẻ nét thú vị, độc đáo của loại hình nghệ thuật này, tôi đã cố gắng dịch tất cả nội dung của vở diễn ra tiếng Anh.

Ngoài việc yêu thích tuồng, chèo còn lý do nào khác khiến Eleanor Clapham mong muốn thành lập công ty biểu diễn tại Australia và đi lưu diễn ở Mỹ, Canada, châu Phi…?

– Tôi muốn sáng tác nhạc sử dụng những gì đã học tại Việt Nam, đồng thời kết hợp với những gì trái tim mình mách bảo. Ước mơ của tôi là đưa nghệ thuật tuồng, chèo của Việt Nam đi khắp thế giới. Trước đây, tôi định mang các trích đoạn tuồng và chèo biểu diễn tại các festival quốc tế. Nhưng giờ đây, tôi dự định tổ chức liveshow của riêng mình ở các nước, thể hiện sáng tác nhạc trẻ của mình kết hợp với nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

Để thu hút giới trẻ Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế, Eleanor Clapham đã “hiện đại hoá” tuồng, chèo bằng cách kết hợp nhạc pop phương Tây với nhạc truyền thống Việt Nam. Chị có sợ sự kết hợp này sẽ phá vỡ tính truyền thống của bộ môn nghệ thuật?

– Với liveshow ngày 26/6 tới, khán giả sẽ hiểu công việc hiện nay của tôi như thế nào. Tôi không phải là đại diện của nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Tôi là một người đam mê nghệ thuật đó, đã học nghệ thuật đó và nghệ thuật đó ảnh hưởng rất nhiều đến sáng tác riêng của mình. Hy vọng rằng sau khi xem xong liveshow này, cả người Việt Nam và người nước ngoài đều muốn tìm hiểu nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Tôi không sợ gì cả.

Dự định biểu diễn của Eleanor Clapham trong thời gian tới ở Việt Nam?

– Vào ngày 3 – 4/11, tôi sẽ vào miền Nam biểu diễn. Sẽ là sự kết hợp nhạc trẻ phương Tây với nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Tiếp đó, tôi định diễn tại Đà Nẵng.

Xin cảm ơn chị!

Theo Đất Việt Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *