Bên bờ hạnh phúc

Ý tưởng về việc thành lập quỹ hỗ trợ cho ngư dân đối với những trường hợp rủi ro, bị nước ngoài bắt giữ trái phép khi hoạt động đánh bắt tại khu vực biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, do UBND tỉnh Quảng Ngãi khởi xướng đã nhận được sự đồng tình của đông đảo ngư dân và đại diện ngành chủ quản Trung ương. Trao đổi với báo chí về chủ trương này, ông Trương Ngọc Nhi, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết.

Lúc 2 giờ sáng 12.6, tàu cá QNg 96193-TS của ông Võ Xuân Tuyền ở đảo Lý Sơn bị tàu lạ đâm chìm khi trên tàu có 18 ngư dân. Đến nay, 17 người đã về nhà, còn ông Nguyễn Văn Hội đang điều trị tại bệnh viện đa khoa Bình Định. Ảnh: Minh Thu

Từ tháng 5.2009 – 6.2010, đã có ít nhất 12 tàu thuyền đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi bị nước ngoài bắt giữ trái phép, trong đó có đến 2/3 số trường hợp bị phía Trung Quốc bắt khi đang hoạt động khai thác tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Để sẻ chia những khó khăn đó, từ nguồn ngân sách dự phòng của địa phương, UBND tỉnh đã ra chủ trương hỗ trợ cho ngư dân. Theo đó, không chỉ ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, mà vợ, con, cha mẹ… của họ cũng được hỗ trợ gạo với mức 15kg gạo x 3 tháng/người; tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, họ còn được hỗ trợ từ 40 – 120 triệu đồng/tàu thuyền bị nước ngoài tịch thu. Đến nay, UBND tỉnh đã chi hỗ trợ cho các trường hợp trên hơn 1 tỉ đồng.

Thực tế, số trường hợp bị bắt thì nhiều nhưng được nhận hỗ trợ tiền còn rất ít?

Không phải tàu thuyền nào bị nước ngoài bắt là được nhận tiền hỗ trợ, các chủ phương tiện muốn nhận được hỗ trợ phải thực hiện đầy đủ các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện; thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước… Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, qua ba đợt xét duyệt, mới có 4/12 chủ phương tiện tàu thuyền bị nước ngoài bắt có đủ điều kiện được đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ tiền.

Có ý kiến cho rằng, tỉnh đã có chủ trương rồi, cứ thế mà thực hiện, cần gì thành lập quỹ hỗ trợ?

Số trường hợp cần được hỗ trợ hiện quá nhiều, trong khi nguồn ngân sách của tỉnh có hạn. Ngư dân lại không thể bỏ ngư trường đánh bắt truyền thống của mình, do đó, trong điều kiện hiện nay cần phải hỗ trợ kịp thời cho những ngư dân bị lâm nạn, nhưng UBND tỉnh cũng khó có thể kéo dài việc thực hiện chủ trương trên. Vì vậy, tỉnh muốn lập quỹ hỗ trợ để kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài nước nhằm chia sẻ khó khăn cho ngư dân bị rủi ro.

Ông Trương Ngọc Nhi

Quỹ hỗ trợ khác gì so với chính sách mà UBND tỉnh đã ban hành trước đó?

Việc hỗ trợ cho ngư dân từ nguồn quỹ này sẽ có nhiều điểm khác, mới hơn. Chẳng hạn, ngoài hỗ trợ cho những trường hợp bị bắt, tịch thu phương tiện, tuỳ theo nguồn vốn vận động, đóng góp được, để khuyến khích ngư dân vươn ra ngư trường xa, sẽ hỗ trợ nguyên liệu, hoặc cho vay mua sắm trang thiết bị, hoặc nâng mức hỗ trợ nhiều hơn… Và dù là quỹ, hay bất cứ nguồn nào, để được hỗ trợ, ngư dân và chủ phương tiện phải tuân thủ những quy định hiện hành của pháp luật khi đưa phương tiện ra khơi khai thác: tàu thuyền phải đăng ký, đăng kiểm, hoạt động trong vùng lãnh hải của Việt Nam…

Khi nào UBND tỉnh sẽ có văn bản thành lập và cơ quan, tổ chức nào được giao trách nhiệm này, thưa ông?

Trong cuộc họp sắp đến chúng tôi sẽ đưa ý kiến này ra để lãnh đạo tỉnh uỷ, UBND tỉnh bàn bạc và nếu được, sẽ trình lên Trung ương. Đây là một ý tưởng hay, tôi nghĩ rằng, sẽ nhận được sự đồng tình, hưởng ứng từ các cấp ngành. Nếu mọi việc suôn sẻ, đến cuối năm nay, quỹ được thành lập và đưa vào hoạt động. Hội nghề cá của tỉnh sẽ được giao nhiệm vụ xây dựng quy chế hoạt động, điều hành.

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *