Bên bờ hạnh phúc

Chiều 5/12 tại tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và 6 tỉnh nuôi tôm trọng điểm tại ĐBSCL để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất tôm.

Tham gia đoàn công tác Chính phủ có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo các Bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tại ĐBSCL, tình hình hạn, mặn đã diễn ra khốc liệt làm tôm chậm lớn, dễ bị dịch bệnh và chết hàng loạt. Chỉ riêng 3 tỉnh trọng điểm, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại khoảng trên 188.000 ha, mức độ thiệt hại có nơi lên đến 70% và tập trung ở các hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến. Nhiều vùng nuôi tôm – lúa bị chậm thời vụ. Cùng với đó, nhiều vùng nuôi không có hệ thống thủy lợi chủ động phải chậm thả giống, có thể làm sản lượng và thu nhập của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Hiện tại, cả nước có 2.300 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó 1.700 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 600 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, sản xuất được khoảng 86 tỷ con giống.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra mô hình sản xuất tôm quy mô công nghiệp tại

Công ty Việt Úc. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

 

Tính đến ngày 30/11/2016, diện tích thả nuôi tôm nước lợ là 696.534 ha, bằng 100,9% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú là 601.025 ha, diện tích nuôi thả nuôi tôm thẻ chân trắng là 95.509 ha chủ yếu là nuôi thâm canh và bán thâm canh. Sản lượng thu hoạch 569.289 tấn, đạt 83,7% so với kế hoạch năm.

Tính đến cuối tháng 10/2016, kim ngạch xuất khẩu tôm đã đạt xấp xỉ 2,6 tỷ USD. Thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam chủ yếu hiện nay bao gồm Mỹ chiếm 22,7 %, EU chiếm 19,1%, Nhật Bản chiếm 17,8%, Trung Quốc và Hồng Kông chiếm 14,8%. Theo dự báo, khả năng xuất khẩu thủy sản năm 2016 sẽ đạt kim ngạch trên 7 tỷ USD.

Còn nhiều khó khăn

Theo báo cáo của các tỉnh nuôi tôm trọng điểm vùng ĐBSCL là Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh và Bến Tre, khó khăn lớn nhất hiện nay là hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản tại nhiều vùng vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp nên không phù hợp và bị ảnh hưởng, ô nhiễm nguồn nước do thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp…

Gần đây, đã xảy ra tình trạng thiếu điện phục vụ nuôi tôm tại một số địa phương. Các hộ nuôi phải dùng máy nổ để quạt nước, bơm nước đã khiến giá thành sản xuất tăng cao giảm sức cạnh tranh của ngành tôm.

Công tác giám sát vùng nuôi đặc biệt là khâu quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất tại nhiều địa phương đã được quan tâm, tuy nhiên kết quả hoạt động còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí thực hiện quan trắc môi trường, phòng ngừa dịch bệnh cho các vùng nuôi trồng thủy sản hoặc có bố trí kinh phí nhưng thấp và chưa bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ.

Hầu hết tôm giống tôm thẻ chân trắng vẫn phải nhập ngoại nên chưa thể chủ động sản xuất. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát chất lượng con giống sản xuất và lưu thông trong nước vẫn còn hạn chế do các cơ sở chưa tự giác khai báo. Việc dự báo cân đối cung cầu con giống đôi khi chưa sát dẫn đến bị động trong sản xuất.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho ao nuôi nhiều vùng chưa đáp ứng với yêu cầu kỹ thuật, không có hệ thống công trình bảo đảm như: không có ao xử lý, cao trình bờ ao nuôi thấp; một bộ phận người nuôi vẫn chưa tuân thủ lịch thời vụ thả giống, sử dụng nguồn tôm giống không qua kiểm dịch và không tuân thủ những quy định về xử lý môi trường, tự ý xả nước chưa qua xử lý ra ngoài môi trường, không khai báo dịch… làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Nhiều cơ sở nuôi nhỏ lẻ nên chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất; thường thiếu vốn sản xuất, phải mua chịu vật tư đầu vào (thức ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất…), chịu lãi suất cao và không có cơ hội lựa chọn sản phẩm có chất lượng, phụ thuộc vào đại lý, đầu nậu…

Sớm hoàn thiện đề án tổng thể phát triển tôm nước lợ

 

 

Phát biểu kết luận, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu dương các tỉnh ĐBSCL có nhiều nỗ lực vượt bậc, khắc phục khó khăn, đặc biệt những khó khăn do hạn, mặn kéo dài, để vươn lên, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2016 với kết quả cao nhất.

Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, các địa phương trong khu vực ĐBSCL cần tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, xác định được sản phẩm chủ lực của từng địa phương, từng vùng để có cơ chế phát triển phù hợp.

“Việc họp bàn để kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc trong việc sản xuất tôm với các bộ, ngành và 6 tỉnh trọng điểm nuôi tôm ĐBSCL hôm nay cũng là để ưu tiên phát triển sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL, gắn với phát triển liên vùng, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao”, Phó Thủ tướng nói.

Trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung rà soát lại quy hoạch sản xuất tôm, bởi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất nhằm hướng tới sản xuất bền vững.

“Quy hoạch phải đi trước. Quy hoạch không manh mún, chia cắt theo đơn vị hành chính, mà phải bảo đảm liên kết vùng, khai thác tối đa hiệu quả từng địa phương. Quy hoạch phải gắn liền với việc tái cấu trúc nền kinh tế tại địa phương, ứng phó BĐKH, thích ứng với việc thay đổi một số điều kiện tự nhiên, môi trường tại ĐBSCL”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển bền vững tôm nước lợ đến năm 2025, định hướng 2030 theo hướng từng bước hình thành ngành công nghiệp sản xuất tôm với công nghệ cao và tôm sinh thái hiệu quả và phát triển bền vững.

“Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL, Quy hoạch thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản và phát triển nông nghiệp bền vững vùng ven biển ĐBSCL cho phù hợp thực tế và định hướng phát triển tôm nước lợ, biến thách thức của biến đổi khí hậu thành lợi thế phát triển”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành NN&PTNT có biện pháp tổ chức lại sản xuất, rà soát, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển ngành tôm; nghiên cứu hướng dẫn sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với thị trường; tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất tôm trong các năm tới.

Để giải quyết khó khăn trước mắt cũng như bảo đảm phát triển bền vững cho các vùng nuôi tôm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát và có kế hoạch khẩn trương bố trí nguồn lực để bảo đản việc cung cấp đủ điện cho các vùng nuôi tôm cho các hộ dân, doanh nghiệp.

Về dài hạn, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn cần nghiên cứu đầu tư các hệ thống hạ tầng nguồn điện cho các khu vực nuôi trồng thuỷ sản theo quy hoạch.

 
Nguồn: Xuân Tuyến ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *