Bên bờ hạnh phúc

Sáng 12/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các Bộ, ngành và Trung ương Hội khuyến học Việt Nam về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về xây dựng xã hội học tập.

Sau 12 năm vận động, phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập đã phát triển nhanh chóng và sâu rộng. Tuy nhiên, ở các địa phương, các ngành, đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp phong trào khuyến học phát triển chưa đồng đều, quản lý các hệ giáo dục còn bị chia cắt, chưa phát huy được nguồn lực. Nhiều trung tâm học tập cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn. Cán bộ chủ chốt trực tiếp làm công tác này phần lớn là người về hưu, tuổi cao hoặc cán bộ còn tuổi công tác nhưng kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, vì vậy việc chỉ đạo, thúc đẩy các phong trào khuyến học còn rất hạn chế.

Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm phát biểu tại cuộc họp (ảnh: Chinhphu.vn)

Thực hiện Quyết định 112/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập, thời gian qua các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều nội dung quan trọng như đẩy mạnh công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội, thực hiện chương trình tín dụng cho học sinh sinh viên, phát triển mạnh các trung tâm giáo dục cộng đồng, đổi mới và phát triển dạy nghề, đặc biệt là tại các địa bàn khó khăn, chương trình đưa thông tin đến cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập, đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo.

Cả nước hiện có 9200 trung tâm học tập cộng đồng, số lượng người học các chuyên đề trong mỗi năm khoảng 1.000.000 người, 3,5 triệu hộ đạt danh hiệu gia đình hiếu học, 65 dòng họ khuyến học.

Năm học 2008-2009, cả nước có 106.890 học viên theo học bổ túc trung học cơ sở, 307.295 học viên các lớp bổ túc trung học phổ thông, 500.000 người theo học các lớp tin học, ngoại ngữ-tin học, 403.694 học viên học các lớp nghề ngắn hạn và hơn 11 triệu lượt người theo học các lớp bồi dưỡng chuyên đề về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.

Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng: Xây dựng xã hội học tập là chủ trương có tính chiến lược đã được khẳng định tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX, X, Chỉ thị 11CT/TW của Bộ Chính trị. Song, đến nay nhận thức của phần lớn xã hội còn chưa đầy đủ, triển khai còn nhiều lúng túng, bị động.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị Chính phủ sớm thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về xây dựng xã hội học tập, qua đó có sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương tới địa phương, đồng thời khẳng định với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, sự liên kết chặt chẽ của các Bộ, ngành và các tổ chức xã hội, nước ta sẽ sớm xây dựng được một xã hội học tập thực sự và có chất lượng.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao đóng góp của Hội khuyến học Việt Nam đối với việc xây dựng một xã hội học tập ngay từ cơ sở.

Nhằm khơi dậy truyền thống hiếu học của dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của hàng triệu gia đình và góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng ý chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về xây dựng xã hội học tập. Ban Chỉ đạo có chức năng tham mưu với Thủ tướng về công tác xây dựng xã hội học tập.

Phó Thủ tướng yêu cầu trước ngày 20/10/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng về Đề án thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về xây dựng xã hội học tập.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng đã có một số chỉ đạo về cơ chế tài chính cho Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, đồng thời đề nghị rà soát, đánh giá lại những mô hình trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên điển hình để tổng kết và nhân rộng.

Theo chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *