Bên bờ hạnh phúc

Hôm 23/5, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo quốc tế điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030 và tầm nhìn sau năm 2030. Hội thảo do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân chủ trì với sự tham gia của các bộ, ngành trung ương và 12 nhà khoa học.

Ở một bãi biển trên đảo Phú Quốc. Ảnh: H.LỘCPhát triển nhưng phải giữ được thế mạnh tự nhiên về nhiều mặt của Phú Quốc.

Hội thảo đã thống nhất về nguyên tắc đề xuất Chính phủ xem xét, ra quyết định điều chỉnh quy hoạch xây dựng đảo Phú Quốc trở thành đặc khu hành chính. Nhưng điều chỉnh quy hoạch phát triển theo hướng nào vẫn còn nhiều ý kiến bàn cãi.

Dương Đông – khu đô thị trung tâm

Từ năm 2005, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch Phú Quốc đến năm 2020 là trung tâm công nghiệp, thương mại-dịch vụ, du lịch, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ, y tế và văn hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, Phú Quốc cũng là đô thị cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong; đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Năm 2006, Chính phủ có quyết định về quy chế tổ chức và hoạt động của đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới theo hướng là một đặc khu kinh tế.

Theo đồ án quy hoạch, Phú Quốc sẽ hình thành ba khu vực đô thị, đa dạng về du lịch theo trục Nam-Bắc nằm sâu trong đất liền của đảo. Trong đó, Dương Đông là đô thị trung tâm, hai đô thị liên hoàn là An Thới và Hàm Ninh. Vệ tinh của ba khu đô thị này là những “tổ hợp” du lịch Đá Chồng, Bãi Trường, Hồ Suối Lớn, Bãi Cửa Cạn. Trong đó, khu đô thị An Thới sẽ hình thành cảng biển quốc tế.

Kiến trúc sư Khương Văn Mười (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM) và các kiến trúc sư Khương Ngọc Huy, Lê Thanh Thoại đưa ra so sánh với một số đảo trên thế giới có quy mô tương tự và kiến nghị: Chỉ nên xây dựng cảng biển An Thới với quy mô đủ tầm mức phục vụ cho phát triển cho Phú Quốc. Đồ án cũng đề xuất sẽ xây dựng Phú Quốc trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học quốc gia và quốc tế, đồng thời là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và giao lưu quốc tế. Ông Trương Quốc Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, đề nghị: “Hai chức năng này cần xem xét và phân tích ở cấp độ thích hợp do tác động rất lớn đến luận cứ của các định hướng quy hoạch”. Ông đồng ý kế thừa kinh nghiệm các đảo du lịch nổi tiếng thế giới nhưng đồng thời phải làm sao để Phú Quốc có một sự khác biệt tích cực bao gồm: Giữ nguyên hiện trạng môi trường, khai thác tốt cảnh quan, các tiêu chí về du lịch và đô thị ở đẳng cấp cao…

Phải giữ rừng và lợi thế quốc phòng

Có đại biểu kiến nghị cần xây dựng tạo ra một biểu tượng cho Phú Quốc như một công trình hoặc một hoạt động đặc trưng của Phú Quốc nằm bên trong công trình như một casino. Ông Trương Quốc Tuấn kiến nghị: “Về casino, Chính phủ cũng đã cho chủ trương. ở lần quy hoạch này, tôi đề nghị cần phải phân tích và đưa ra các phương án về vị trí và quy mô”. Theo ông, đây là công trình có lợi thế khai thác sự liên kết về hạ tầng, bố cục không gian với các khu du lịch và đô thị, cần phải có vị trí thích hợp, đáp ứng yêu cầu để có thể kêu gọi đầu tư.

Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc, kiêm trưởng ban quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, kiến nghị: Phú Quốc có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng. Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Phú Quốc phải đặc biệt quan tâm đến các vị trí phòng thủ để việc phân khu chức năng không ảnh hưởng, đảm bảo tính khả thi.

Phát triển không gian đảo Phú Quốc với các khu đô thị trung tâm. Ảnh: H.LỘC

Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam bộ, đề nghị quy hoạch phát triển đảo Phú Quốc nên theo hướng trở thành một hòn đảo xanh hiện đại, một kiểu mẫu về phát triển kinh tế-xã hội cho các hải đảo khác của cả nước và khu vực. “Ngoài những địa điểm dự kiến quy hoạch thành cụm đô thị, những khu dân cư hiện tại nên quy hoạch thành vùng đô thị nông thôn” – tiến sĩ Thành nói. GS-TS Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, khuyên: “Quy hoạch Phú Quốc không thể và không nên trở thành một trung tâm thương mại kinh tế hàng đầu, cũng không thể là trung tâm đào tạo tầm cỡ mà chỉ nên là một trung tâm môi trường đặc sắc, thân thiện và hòa nhập với tự nhiên của cộng đồng”.

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ KH&ĐT), bày tỏ sự tán đồng với việc xác định Phú Quốc trở thành đặc khu hành chính kinh tế. Theo ông, từng đô thị, từng khu du lịch cần phân tích rõ về mặt không gian, tầng cao, ranh giới và quy mô sử dụng đất, mối quan hệ của bán kính các khu đô thị và dân cư.

Huyện đảo Phú Quốc gồm 22 hòn đảo lớn nhỏ nằm trong vịnh Thái Lan. Riêng đảo Phú Quốc lớn nhất với diện tích hơn 573 km2, cũng là hòn đảo lớn nhất cả nước nằm theo hướng Nam-Bắc với 99 ngọn đồi lớn nhỏ, cao nhất là núi Chúa hơn 600 m. Phú Quốc còn có đồng bằng và rừng tự nhiên hơn 37 ngàn hecta với nhiều gỗ quý, chim muông tập trung ở phía bắc và đông bắc đảo. Phú Quốc còn có tiềm năng du lịch phong phú, những cánh rừng nguyên sinh, nhiều bãi biển đẹp như bãi Trường, bãi Khem, ghềnh Dầu, rạch Tràm, rạch Vẹm… Đặc biệt, Phú Quốc còn nằm ở trung tâm các đô thị lớn, theo đánh giá của tiến sĩ Nguyễn Đình Toàn, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị – nông thôn miền Nam, trong tương lai là trung tâm cực tăng trưởng Nam Á.

Theo Pháp luật TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *