Bên bờ hạnh phúc

Một tấm bia cổ thời Nguyễn vừa được gia đình ông Nguyễn Hữu Điền, phường Bạch Hạc – TP Việt Trì – tỉnh Phú Thọ, phát hiện. Các nhà khoa học xác định đây là 1 trong 5 văn bia của đình Hạc đã thất lạc nhiều năm nay.

Bia cao 1,40m x rộng 0,59m x dày 0,19m; lòng bia dài 0,82m, rộng 0,40m, được làm từ đá xanh Thanh Hóa, đục chạm 2 mặt. Mặt trước trên mũ bia được trang trí hình hổ phù và họa tiết hoa chanh, chạy quanh viền mũ là hình cánh sen dẹo. Trán bia có 4 chữ Hán lớn “Hậu thần bi ký” tức bia ghi việc hậu thần; phía dưới lòng bia được chạm khắc kiểu nghi môn tam tài, trong lòng chữ Hán đã mờ. Chung quanh bia được trang trí hoa cúc dây leo. Mặt sau bia ghi dòng niên đại tạo bia “Gia Long thập thất niên, mạnh xuân nguyệt, cát nhật” tức là: Ngày tốt, tháng mạnh xuân, năm Gia Long thứ 17 (1818) tạo bia.

Các nhà khoa học bước đầu nhận định: Đây là một trong số những văn bia của đình Hạc đã thất truyền ghi lại dòng tộc, gia đình đã phát tâm công đức tu sửa đình, đền Hạc. Ngoài ra, đây còn là một trong số văn bia đầu thời Nguyễn rất có giá trị về khoa học, lịch sử; đặc biệt là có giá trị về mỹ thuật chạm khắc – sự ảnh hưởng của nền nghệ thuật chạm khắc Lê – Nguyễn. Văn bia cổ này sẽ giúp các nhà khoa học có thêm minh chứng so sánh với các văn bia đương thời trên vùng đất Tổ.

Hiện tại bia được đặt trên lưng rùa tại đền Tam Giang, phường Bạch Hạc, TP Việt Trì, phục vụ khách tham quan.

Theo Tạ Văn Toàn (TTXVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *