Bên bờ hạnh phúc

Dự báo đến năm 2010, ô nhiễm môi trường ở Việt Nam sẽ tăng 4 – 5 lần hiện nay. Tổn thất kinh tế do ô nhiễm môi trường thời điểm 2010 là 0,3% GDP và đến năm 2020 sẽ tăng lên 1,2% GDP. GDP sẽ trở nên ít ý nghĩa, (thậm chí vô nghĩa) nếu chúng ta không tỉnh táo hoặc rơi vào “cái bẫy” của nhà đầu tư đến từ các quốc gia từng trả giá đắt về môi trường.

Ảnh minh họa

Ngành thép vấy bẩn môi trường khủng khiếp nhất
GS.TS Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách công nghiệp (VNCCLCSCN) đã đưa ra kết quả nghiên cứu được thực hiện tại 18 ngành và lĩnh vực kinh tế. Theo đó, các ngành và lĩnh vực kinh tế như rượu – bia, nước giải khát, thủy sản, giấy, dệt may, xây dựng, cơ khí, giao thông, điện, khai thác khoáng sản, y tế, đóng tàu, xi măng…, đang có nhu cầu đầu tư bảo vệ môi trường lên đến 124.000 tỷ đồng (tương đương 7,6 tỷ USD). Theo GS. TS Phan Đăng Tuất thì đã đến lúc thay thế cụm từ “bảo vệ môi trường” bằng cụm từ “công nghiệp môi trường”. Trên thực tế, Việt Nam đang mang gánh nặng ô nhiễm và nếu không có sự tỉnh táo cần thiết thì tương lai sẽ là “nơi chứa công nghiệp bẩn”. GS.TS Phan Đăng Tuất cũng nêu ra 6 nội dung cảnh tỉnh đối với lĩnh vực sản xuất thép ở Việt Nam. Ngoài các yếu tố tiêu tốn rất nhiều tài nguyên đất và nước, tiêu tốn nhiều năng lượng nguy hại đến môi trường… sản xuất thép được ông Tuất nhận định “là ngành công nghiệp vấy bẩn môi trường khủng khiếp nhất!”. Trước thực trạng này, được biết Tổng cục Môi trường cũng đã kịp thời xây dựng “Kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do hóa chất” trên phạm vi cả nước và đang khẩn trương nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các qui định về quản lý phế liệu nhập khẩu, quản lý chất thải cho phù hợp với tình hình thực tế, sử dụng hiệu quả 1% ngân sách dành cho bảo vệ môi trường.

Hà Nội là thành phố bụi nhất do khí thải công nghiệp
Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (CKTAT&MTCN) Nguyễn Văn Thanh cũng đưa ra bức tranh về công tác bảo vệ môi trường trong khu vực sản xuất công nghiệp và kinh doanh ở Việt Nam. Theo thống kê của CKTAN&MTCN thì có 60% chất thải của 9 khu công nghiệp quanh Hà Nội chưa qua xử lý đúng cách và trong số này cũng chỉ có 3 khu công nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải… Ông Thanh “chốt” lại vấn đề bằng ý kiến đáng lo ngại: “Tôi có cảm giác Hà Nội đang là thành phố bụi bậc nhất do khí thải công nghiệp. Có rất nhiều chất độc hại trong khí thải công nghiệp ở Hà Nội”. Được biết Tổng cục Môi trường đã rất tích cực trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, tuy nhiên, đến nay, trong số 439 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng mới có 87 cơ sở được cấp giấy chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, 106 cơ sở cơ bản hoàn thành, 198 cơ sở đang triển khai xử lý, 21 cơ sở chưa triển khai và 27 cơ sở đã giải thể hoặc phá sản.

Đánh giá chung của nhiều chuyên gia cũng cho thấy: Trong hơn một thập kỷ gần đây kinh tế Việt Nam đạt được tăng trưởng ở mức cao, tuy nhiên quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và khai thác tài nguyên đã làm cho chất lượng môi trường sống ngày càng xấu đi. Nếu không có biện pháp kịp thời để khắc phục thì dự báo đến năm 2010, ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 4 – 5 lần hiện nay. Tổn thất kinh tế do ô nhiễm môi trường thời điểm 2010 là 0,3% GDP và đến năm 2020 sẽ tăng lên 1,2% GDP. Kinh nghiệm của các nước đi trước đã cho thấy, trung bình trong 10 năm, nếu tổng GDP tăng 2 lần thì mức độ ô nhiễm tăng lên 5 lần.

Theo Thanh Tâm (Đại đoàn kết)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *