Bên bờ hạnh phúc
Minh Ngọc (thứ hai từ lề phải) một trong những người trẻ đam mê với nghề báo – nghề tay trái, ở nước ngoài.
Viết để được chia sẻ và đóng góp

 

Từ những bài viết về đời sống du học sinh, về quá trình hòa nhập với cộng đồng người Việt ở Nancy (Pháp) trên blog, Hiên, một du học sinh Việt, được mời cộng tác với một tờ báo trong nước. Từ đó, cô trở thành người đưa tin chăm chỉ về cuộc sống của du học sinh và cộng đồng người Việt nơi đây.

Hiên tâm sự: “Tôi du học lâu ngày ít có điều kiện nói và viết tiếng Việt bởi thế viết blog bằng tiếng Việt rồi viết báo nhằm tìm lại thói quen viết lách trước kia và trau dồi vốn tiếng Mẹ đẻ cũng như giúp mọi người ở nhà hiểu rõ hơn về cuộc sống của những du học sinh cũng như kiều bào sống xa quê”.

Hiên cho biết, cô viết báo không phải để trở thành nhà báo nổi tiếng, càng không phải vì thù lao bởi để viết một bài báo vất vả hơn rất nhiều so với việc cô đi làm thêm trong khi thù lao lại ít hơn nhiều. Nhưng công việc này lại khiến cô cảm thấy rất vui vì đã chuyển tải được phần nào những diễn biến đời sống và thông tin lên mặt báo, đến với những bạn đọc trong nước.

Cũng giống như Hiên, Vi, du học sinh Việt ở Mỹ, cũng đến với công việc viết báo cho những tờ báo tiếng Việt từ những tâm sự và chia sẻ trên blog của mình. Vi tâm sự, cuộc sống bận rộn nơi xứ vẫn khiến cô nhớ lại những gì là kí ức và kỉ niệm nơi quê nhà và viết báo chính là lúc cô viết lên những dòng cảm xúc dạt dào về quê hương.

Với Vi, viết báo còn để bày tỏ cảm xúc và ý nghĩ của bản thân mình về cuộc sống, học tập của du học sinh và những người xa xứ.  Cô cũng hy vọng góp phần nhỏ để mọi người ở trong nước biết rằng, cuộc sống của người Việt ở nhiều nơi trên thế giới rất khác nhau, nhưng dù ở bất kỳ nơi đâu, người Việt vẫn tự hào về nguồn cội và nhớ đến quê hương mình.

Hay như với Hoàng Minh Ngọc, tu nghiệp tại ĐH Nghệ thuật Seoul, cô nhận lời mời làm việc tại Đài phát thanh Skylie Hàn Quốc trong vai trò phát thành viên và thiết kế chương trình “Âm nhạc gia đình đa văn hóa” cũng từ mong muốn được giúp đỡ những người đồng hương. Tham gia chương trình phát thanh, Ngọc có cơ hội phục vụ những cô dâu Việt Nam và thế hệ người Việt thứ hai sinh ra và lớn lên ở Hàn Quốc. Cô bảo: “Còn gì quý hơn khi được hằng ngày, hằng giờ trò chuyện và lắng nghe những người đồng hương trò chuyện, tâm tình. Và hơn thế, mình có thể qua những chương trình đó, giúp chị em vơi đi nỗi nhớ nhà”.

Một tờ báo tiếng Việt ở Ba Lan, nơi cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho chính kiều bào và những người Việt trong nước.
Trước sau vẫn coi mình là người làm báo

 

Anh Đỗ Anh Đức, đang làm nghiên cứu sinh về truyền thông tại Australia cho biết, khi còn ở Việt Nam, anh cũng viết báo và dạy về báo chí. Vì thế, trước sau anh vẫn tự coi mình là người làm nghề báo. Hiện làm việc tại Ban Việt ngữ của Radio Australia, một tờ báo chính thống của Australia, anh viết vì sự quan tâm đặc biệt với cộng đồng Việt ở Australia và độc giả trong nước đọc, nhất là các bạn trẻ.

Mảng đề tài mà anh Đức thường chọn viết là văn hóa, con người ở nước Australia, về những trí thức người Việt, những người dù sinh sống ở nước ngoài vẫn hướng về quê nhà. Anh cũng thích thú với những bài viết so sánh giữa Australia và Việt Nam, nhằm mở ra hướng đi cho việc áp dụng kinh nghiệm của một nước phát triển vào Việt Nam hoặc từ góc độ so sánh liên văn hóa. Anh bảo: “Thi thoảng tôi cũng viết về người Việt Nam ở Australia: sinh hoạt của họ, hội nhập của họ và những việc làm nỗ lực gìn giữ văn hóa và tất nhiên là viết về du học sinh”.

Michael Bùi, chủ trang web và tạp chí Trẻ bằng tiếng Việt ở Mỹ, tờ tạp chí được đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ ủng hộ, trong một lần về nước dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, tâm sự: “Khi bắt tay làm báo, tôi mong muốn xây dựng một tớ báo tiếng Việt ‘sạch’. Trong đó đăng tải những bài viết giới thiệu về chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với kiều bào cũng như giới thiệu về những đổi thay, phát triển của đất nước cũng như những cơ hội làm ăn của kiều bào để những người xa xứ lâu năm hiểu hơn về chính sách đại đoàn kết của đất nước”.

Theo thành ý đó, trang web và tờ báo tiếng Việt của Michael Bùi hướng tới thế hệ trẻ người Việt, góp phần phát huy và bảo tồn văn hóa cũng như tiếng Việt ở xứ Cờ hoa.

Nói về những người làm báo xa xứ, nhà văn – nhà báo Việt có uy tín ở Nga là Nguyễn Huy Hoàng một lần nữa khẳng định: “Tôi cho rằng những người làm báo Việt ở Nga là những người có công với cộng đồng trong việc thông tin”.

Anh Đỗ Anh Đức, nghiên cứu sinh về truyền thông tại Australia cho rằng thông tin về kiều bào trong báo chí còn ít và chưa hay vì không có mấy người hiểu nhu cầu của họ, cần gì, muốn gì, chủ yếu là những bài về nhân vật hoặc 1 vài sự kiện văn hóa….

"Thay vì chỉ giới thiệu nhân vật hoặc sự kiện, những bài về tình cảm quê hương thì cũng nên có những bài viết sâu hơn chia sẻ những thông tin mà người Việt ở nước ngoài họ cần và những trải nghiệm, vận lộn trong cuộc sống của họ ở xứ người. Người ta không chỉ nhớ quê hương, ngồi đó ôm văn hóa truyền thống mà họ còn phải hội nhập vào cuộc sống sở tại, mưu sinh và vươn lên. Cái đó khó hơn nhiều chứ. Nếu đưa được những câu chuyện như thế lên báo thì sẽ hay hơn nhiều…", anh Đức chia sẻ.

Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *