Bên bờ hạnh phúc

Nhiều ngân hàng đã thu phí rút tiền ATM khi khách hàng rút tiền ngoài hệ thống ATM của họ. Điều đáng nói là ngân hàng đã không thông báo rộng rãi việc làm này khiến khách hàng bức xúc.

Sáng 20/1, nhiều bạn đọc gọi đến VietNamNet, cho biết đã có nhiều máy rút tiền tự động trên địa bàn TP.HCM bị nghẽn mạng, khiến không rút tiền được. Những khách hàng này sang máy ATM của các ngân hàng trong hệ thống liên kết Smartlink để rút tiền, thì bị trừ tiền phí.

Chị T.A.Ngân, bức xúc nói rằng chị rất bất ngờ khi bỗng dưng bị thu tiền mà không hề được thông báo. “Tôi được biết, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã không cho phép các ngân hàng thu phí rút tiền qua máy ATM, nhưng sao lại xảy ra chuyện này, và không ai được biết?”, chị Ngân thắc mắc.
Theo trình bày của bạn đọc, mức phí khách hàng dùng ATM phải trả trừ là 3.300 đồng cho mỗi lần rút tiền.

Tại dãy máy ATM của khá nhiều ngân hàng đặt trên đường Phùng Khắc Khoan, Q.1, anh Tân, nhân viên một công ty điện chiếu sáng, cho biết lương của anh 2 triệu đồng/tháng, tiền thưởng 7 triệu, và anh sẽ rút hết trong đợt này.

“Rút về để dành mà dùng, rút lắt nhắt lại tốn phí nhiều lần”, anh nói.

Trong khi đó, chị Nga, một nội trợ ở Bình Thạnh, nói rằng chị rất ít khi giữ tiền mặt trong nhà, cần tiền chị lại rút đi chợ. Chị nói rằng có thể sắp tới chị sẽ rút mỗi lần số tiền nhiều hơn, để dùng dần.

Trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Giám đốc Trung tâm Thẻ của Ngân hàng Ngoại thương (VCB), cho biết: Hiện tại, VCB chưa thu phí rút tiền trong hệ thống, mà chỉ thu ngoại mạng. Tức nếu sử dụng thẻ của VCB để rút tiền tại máy của VCB thì chưa thu phí, mà chỉ thu phí khi nào thẻ của VCB rút tại máy ATM của các ngân hàng khác.

Bà Hằng cho rằng Ngân hàng Nhà nước chỉ không cho phép thu phí nội mạng, còn thu phí ngoại mạng không cấm. “Ngân hàng phải thu phí ngoại mạng để trả cho đơn vị cung ứng dịch vụ kỹ thuật kết nối, ở đây là Smartlink”, bà Hằng cho biết.

Các ngân hàng khác như BIDV cũng đã thu phí ATM. Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cho rằng sử dụng dịch vụ thì phải trả tiền dịch vụ là đương nhiên. “Người dùng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ, ngân hàng cũng phải khấu trừ vào khoản đầu tư”, ông Tuấn nói. “Các ngân hàng đã phải bỏ ra những khoản đầu tư rất lớn, phải có bù đắp. Ngân hàng nước ngoài đã thu phí từ rất lâu và còn thu mức phí cao hơn nhiều”.

Ông N.T. Chiêm, một chủ thẻ VCB, cho biết, ông không biết ông bị thu phí từ bao giờ, vì không thấy tờ thông báo nào dán ở các máy ATM. “Lạ lùng là chúng tôi là khách hàng, nhưng không biết mình phải mua dịch vụ như thế nào. Tiền bị trừ bao nhiêu không biết?”.

Đến sáng 20/1 trên website của Ngân hàng VCB vẫn không có thông báo về biểu phí, một nhân viên bộ phận dịch vụ thẻ của VCB cũng xác nhận điều này.

Ông Trần Quang Thành, Phó Giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cho rằng mức phí 3.300 đồng một lần rút tiền, với người thu nhập khá không quan trọng, nhưng người thu nhập thấp như công nhân vì chi tiêu tằn tiện nên mỗi lần rút chỉ rất ít tiền, nên tỷ lệ thu phí trên tiền rút sẽ cao, lại phải rút nhiều lần càng phải mất tiền trả phí nhiều hơn.

Ông Chiêm cho rằng, tiền gửi của khách hàng trong tài khoản được ngân hàng tự do sử dụng và chỉ tính lãi suất không kỳ hạn, vậy nên việc thu thêm phí là ngân hàng đã muốn phần được nhiều hơn. “Còn việc họ có trả cho cơ quan liên kết như thế nào, đó chỉ là giải thích của ngân hàng, khách hàng khó được tường tận”, ông nói.

Theo bà Hằng Giám đốc Trung tâm thẻ ACB, không chỉ VCB, mà các ngân hàng khác cũng đã thu phí tương tự.

Theo Đặng Vỹ – Hoài Sơn – Kim Toàn – Thái Phương (VietNamNet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *