Bên bờ hạnh phúc

Chị Hoàng Thị Minh Hồng, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực, vừa được mời tham dự chuyến thám hiểm mang tên “Hiệp ước quốc tế về Nam Cực” vào tháng 11 tới.

Chuyến thám hiểm nhằm kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp ước quốc tế về Nam Cực.

Minh Hồng là một trong số 15 cựu thành viên ưu tú từng tham gia các đoàn thám hiểm Nam Cực của 2041 (tổ chức bảo vệ Nam Cực) được lựa chọn. Nhóm sẽ thám hiểm bán đảo Nam Cực trên tàu Clipper Adventurer trong 2 tuần. Các thành viên sẽ được tìm hiểu về tầm quan trọng của Hiệp ước Nam Cực, tham gia chương trình tập huấn về bền vững và phát triển kỹ năng lãnh đạo mang tên “Leadership on the Edge”.

Minh Hồng trong lần thám hiểm đầu tiên năm 1997. (Ảnh nhân vật cung cấp).

“Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu. Chúng ta thường cứ ngồi đó và nghĩ rằng ngăn chặn tầm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không phải là phận sự của mỗi cá nhân, hoặc là Việt Nam chẳng có gì liên quan đến khu vực Nam Cực xa xôi kia. Nhưng thực tế thì hành tinh của chúng ta đang phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng trái đất nóng lên, các dòng sông băng và các khối băng của Nam cực đang thu nhỏ lại và tan ra với tốc độ nhanh hơn dự đoán”, Minh Hồng phát biểu.

Chị Minh Hồng cho biết đang giúp 2041 tìm thêm một hoặc hai đại diện mới cho Việt Nam trong chuyến thám hiểm quốc tế này, đồng thời gấp rút tìm nhà tài trợ. Do ngân sách có hạn, 2041 chỉ cam kết tài trợ 50% chi phí chuyến thám hiểm cho đại diện của Việt Nam. Các ứng cử viên sẽ phải nỗ lực tìm tài trợ cho mình để trang trải phần còn lại, bao gồm một phần chi phí của cuộc thám hiểm, chi phí đi lại và mua các trang thiết bị cần thiết, ước tính 15.000 USD.

Năm 1997, Minh Hồng là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự chuyến thám hiểm Nam Cực đầu tiên dành cho thanh niên thế giới do ông Robert Swan, người đi đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, dẫn đầu. Chị trở thành người Việt Nam đầu tiên cắm cờ tổ quốc tại châu lục giá lạnh này. Chị Minh Hồng từng tham gia rất nhiều dự án môi trường tại Việt Nam, và đã công tác tại Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) trong gần 7 năm.

Nam Cực có 14 triệu km2 băng bao trùm cả châu lục, tương đương với 91% lượng băng toàn thế giới, và chứa 70% lượng nước ngọt của thế giới. Khi các sông băng và khối băng ở đây tan ra, chúng có thể làm dâng mực nước biển trên toàn thế giới và làm ngập các vùng đất thấp, trong đó có các vùng bờ biển của Việt Nam.

Hiệp ước quốc tế về Nam Cực được ký vào năm 1959 tại Mỹ bởi 12 quốc gia. Năm 2041, nghị định thư về bảo vệ môi trường của Hiệp ước Nam Cực có khả năng bị sửa đổi.

Vì vậy, mục tiêu hoạt động của tổ chức 2041 là tuyên truyền về tầm quan trọng và tiếp tục bảo vệ tính hiệu lực của Hiệp ước Nam Cực, để vùng châu lục hoang dã lớn nhất còn sót lại trên trái đất không bao giờ bị khai thác.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *