Bên bờ hạnh phúc

Ông Thái Tế Thông.

Đôi khi rảnh rang, vào Hội quán Phúc Kiến, được tâm tình, tôi đã hỏi thông điệp gì mà ông nhắn gửi lại cho hậu thế sau những tấm ảnh về Hội An tự tận những năm đầu thế kỷ XX ?: “Sợ rằng cuộc sống mỗi ngày một xô bồ hơn, vài tấm ảnh là một sự chân thành với những giá trị trước đây ông cha đã trân quý và níu giữ thôi. Ông nói – qua đó, những người xưa cũ có thể tìm lại chính mình, các bạn trẻ có thể thấy ngày trước cha ông đã tạo dựng trên cái nền không gian Hội An ngày ấy… còn thì tất thảy chỉ là cõi tạm mà thôi”.

Thủy chung quan niệm đó, ông đã “trình bày” ở Hội quán Quảng Triệu một không gian huyền ảo không lặp lại của thời đầu thế kỷ bằng hai cuộc triển lãm Hội An ngày ấy Y phục Hội An một thế kỷ. Bên những tấm ảnh như Trang phục của giới thượng lưu người Hoa (ảnh được ông chụp ở Tòa Khâm sứ tỉnh Quảng Nam năm 1911), cảng Hội An (1930), Ghe buồm Hội An, Chùa Bà Mụ, Đi chợ mặc áo dài, Hàng xén Hội An, hay Bán thuốc bắc, Hai ông thầy bói, Mì Quảng dọc đường (đầu thế kỷ XX).

Sau những lắng đọng thân thuộc về những ngày chưa thể nguôi quên, họ thân thiện và bồi hồi nhìn nhau, những người chưa hề gặp gỡ trong thực tại nhưng lại gặp nhau trong không gian quen thuộc của người nghệ sỹ nhiếp ảnh, nói cười như thể họ chưa hề được sống trong trẻo thuở trai trẻ hay chưa được hồn nhiên thời thiếu nữ. 

Chùa Bà Mụ Hội An do bà con làng Minh Hương ngày trước xây dựng nên vào năm Tự Đức thứ nhất (1848). Ảnh: T.T.Thông.

“Lưu lại được những tấm ảnh như vậy cũng mãn nguyện rồi” Ông Thái Tế Thông sinh năm 1933. Năm 12 tuổi, được bố dắt dìu vài chuyến đi, ông đã có thể chụp cho mình vài kiểu ảnh tâm đắc. Lớn lên chút nữa, được đi nhiều nơi, ông thấy mình đã vận vào thân cái  nghiệp nhiếp ảnh.Trước hết, ông muốn chụp được những tấm ảnh về Hội An, dung dị thôi nhưng phải toát lên trong đó được cái thần thái, cái tâm hồn của phố”. Thế nhưng vào những năm 1950, có được một chiếc máy ảnh đâu phải chuyện dễ dàng…

Thừa hưởng từ bố mình chiếc máy ảnh được coi như báu vật, lúc này Pháp tạm chiếm Hội An, người Pháp tổ chức nhiều hội chợ, các cuộc đấu xảo, những lúc ấy, ông không bao giờ vắng mặt. Những lần quan lớn của Nam triều kinh lý Hội An cũng được ông ghi lại bằng hình ảnh. Thời ấy, lính viễn chinh của Pháp cũng  rất cần những tấm ảnh ở Đông Dương để gửi về Pari hoa lệ, ông biết vậy nên chụp và… ra giá cho chúng chơi.

Nhớ lại thời gian ấy, ông bảo: “Hồi ấy chụp ảnh khó khăn lắm, mình có được tự do đâu, lưu lại những tấm ảnh như vậy là cả một kỳ công. Nhiều khi, lính Pháp tưởng mình là gián điệp, bắt lại và khó dễ đủ điều”.  65 năm chụp ảnh, một số ảnh cho người thân, một số ảnh bị lạc mất, đến giờ còn lại vài trăm bức ảnh, đối với ông, đó là thứ tài sản quý nhất.

Ông chia sẻ: “Được mất thì đã nhiều rồi. Sống với phố cổ cả đời, lưu lại được những tấm ảnh như vậy cũng đã mãn nguyện lắm rồi”. Như đã 77 mùa xuân đi qua ông vẫn  nhẹ nhàng với cuộc sống thường nhật bên dòng sông Hoài, thong dong bên những góc phố, chùa chiền hồn thiêng một thuở. 

Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *