Bên bờ hạnh phúc

Bất chấp lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc, trong những ngày qua tại các bến cảng Sa Kỳ, Tịnh Kỳ và Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) tàu đánh bắt cá vẫn tấp nập như thường lệ. Ngư dân đã thành lập những tổ, đội tàu thuyền tự quản từ năm đến mười chiếc để hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời tiết kiệm chi phí ra khơi.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, phó chủ tịch UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn nói: “Trước lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, chính quyền địa phương đã họp, thống nhất thành lập các đội tàu tự quản từ ba đến năm chiếc để tương trợ lẫn nhau tiếp tục bám biển đánh bắt thuỷ sản”.

Ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân Quảng Ngãi từ trước đến nay chủ yếu ở vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa. “Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt trên Biển Đông, bao gồm một số vùng biển thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam là quá vô lý. Do vậy, chúng tôi tiếp tục ra khơi đánh bắt cá trên vùng biển nước mình bình thường như mọi ngày”, ông Dương Văn Lê quê ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn nói. Ngoài ra, nhiều ngư dân Quảng Ngãi cho rằng, nếu tàu cá của ngư dân không ra khơi đánh bắt thuỷ sản thì hàng loạt khu dịch vụ hậu cần nghề cá phải đóng cửa và các làng chài lâm cảnh khốn khó.

Ngay sau khi nhận được thông tin Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, ông Trương Ngọc Nhi, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký gửi văn bản kiến nghị cục Lãnh sự (bộ Ngoại giao) lên tiếng phản đối và có giải pháp can thiệp để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của ngư dân trên vùng Biển Đông, đặc biệt là những vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng ở các địa phương tuyên truyền ngư dân thành lập tổ, đội tổ chức ra khơi đánh bắt thuỷ sản bình thường. “Lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc trên Biển Đông không có hiệu lực đối với vùng biển Việt Nam, do vậy ngư dân yên tâm tổ chức đánh bắt thuỷ sản trên vùng biển nước ta. Trong quá trình hành nghề nếu phát hiện bất thường trên biển hãy liên lạc sớm với cơ quan chức năng để có giải pháp can thiệp, bảo vệ kịp thời”, đại tá Bùi Phụ Phú, phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi nhấn mạnh.

• Tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ ngày 16.5 đến 15.7.2010, tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) và công ty Neon Energy (Úc) đưa tàu khảo sát địa chấn mang tên Aquila Explorer (quốc tịch Panama) dài 71m, rộng 17,5m kéo theo một cáp địa chấn dài 7km sau đuôi tàu đến khảo sát địa chấn phục vụ cho công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển thuộc hai tỉnh Quảng Ngãi – Bình Ðịnh. Hộ tống tàu thăm dò địa chấn có bốn tàu bảo vệ của Hải quân Việt Nam và tổng công ty Thăm dò – khai thác dầu khí.

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *