Bên bờ hạnh phúc

Sáng nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm 2010 đến 2015.

Theo đó, học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông công lập phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân, hướng tới miễn học phí vào thời điểm thích hợp. Tiếp tục thực hiện không thu học phí đối với học sinh tiểu học. Tiến tới miễn học phí cho trẻ mầm non.

Học sinh tốt nghiệp THPT đặc biệt xuất sắc, học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba tại các kỳ thi Quốc gia và đoạt huy chương tại các kỳ thi quốc tế được xem xét cấp học bổng để học đại học.

Ảnh: Hoàng Hà.
Năm 2010, học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề sẽ được giảm 50% học phí. Ảnh: Hoàng Hà.

Học phí đối với đào tạo nghề và đại học công lập thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học. Tổng học phí của các cơ sở đào tạo công lập chiếm không quá 40% tổng chi thường xuyên. Miễn giảm học phí cho sinh viên diện chính sách; giảm 50% học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề. Sinh viên tốt nghiệp đặc biệt xuất sắc được cấp học bổng để học tiếp.

Nhà nước thực hiện cấp bù học phí cho các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đại học có sinh viên thuộc diện miễn, giảm học phí đang theo học, cấp bù học phí cho học sinh là con người có công với nước, hộ chính sách học ở các trường mầm non, phổ thông ngoài công lập.

Đáng lưu ý, các cơ sở giáo dục và đào tạo được thực hiện chương trình chất lượng cao và thu học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo. Thực hiện kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo nghề và đại học, các chương trình đào tạo và áp dụng cơ chế gắn học phí với chất lượng đào tạo.

Về mức học phí và lộ trình thực hiện, nghị quyết quy định, đối với các chương trình đại trà tại cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, trong điều kiện hiện nay, mức học phí được xác định theo từng vùng và ở mỗi tỉnh, thành phố, phù hợp với thu nhập bình quân và khả năng đóng góp thực tế của hộ gia đình, thực hiện tăng dần theo lộ trình hợp lý, mức trần chỉ áp dụng vào năm 2014-2015.

Đối với các chương trình đại trà tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đại học công lập, học phí được xác định theo các nhóm ngành nghề đào tạo và các bậc học, gắn với chất lượng đào tạo, thực hiện lộ trình tăng dần, phù hợp với nguyên tắc chia sẻ và khả năng đóng góp thực tế của người học.

Chính sách học phí mới được thực hiện từ năm học 2010-2011. Riêng năm học tới, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc điều chỉnh tăng trần học phí tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đại học công lập chỉ được thực hiện ở mức thấp mang tính quá độ trước khi thực hiện lộ trình điều chỉnh học phí năm 2010-2015.

Để minh bạch tài chính, bên cạnh việc các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, tài chính và các cơ quan hữu quan thực hiện kiểm tra, kiểm toán việc sử dụng tài chính của các cơ sở giáo dục và đào tạo, phụ huynh, giáo viên, học sinh sinh viên… có quyền và trách nhiệm giám sát việc sử dụng kinh phí của các cơ sở giáo dục.

Trao đổi với VnExpress.net, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, việc không đưa ra mức học phí cụ thể cho năm học 2009-2010 là do nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định vấn đề về chiến lược, chủ trương, định hướng… còn những vấn đề cụ thể nên dành cho Chính phủ quy định theo thẩm quyền.

"Quốc hội đã đặt vấn đề rõ là cho điều chỉnh học phí nhưng ở mức thấp, với tính chất chỉ là quá độ thì Chính phủ phải tự cân nhắc. Ở Ủy ban, chúng tôi nêu cụ thể mức học phí nhưng ở tầm Quốc hội thì không thể nói cụ thể", ông Thi nhấn mạnh.

Theo Tiến Dũng (VnExpress)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *