Bên bờ hạnh phúc

Nhiều ngôi nhà ở Thọ Bình, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa chỉ còn trơ lại mái sau khi lũ qua. Ảnh: Văn Thanh

Có mặt tại tâm lũ Văn Hoá, huyện Tuyên Hoá, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài yêu cầu các cấp chính quyền nhất quyết không để dân bị đói, lương thực, nước uống phải cung cấp đầy đủ nhằm tránh nguy cơ đói, dịch bệnh.   
    
Hiện, người dân huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa hết kinh hoàng vì trận lũ lớn nhất trong vòng 50 năm qua ở huyện này. Trong căn nhà đổ nát, tang hoang do đất sụt từ trên núi xuống, chị Vi Thị Tươi, thôn 14, xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn, nói trong nước mắt: "Gia đình tôi nghèo quá, không có tiền mua đất, phải lên gần chân núi Lau Cù ở, đâu ngờ lại xảy ra sự cố này”. Khoảng 23h30 ngày 25/9, lũ bất ngờ ập về, tràn vào nhà cửa, kéo theo mưa to, đất trên núi Lau Cù đổ ập xuống làm sập căn nhà của gia đình chị Tươi. Một bức tường nhà cùng đất đá ụp xuống giường con trai chị là Bùi Văn Lợi, 10 tuổi, học lớp 5 và Lương Văn Hoàn, 9 tuổi, học lớp 4, người cùng thôn đang ngủ, khiến hai em chết tại chỗ.
 
Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ  tịch xã Thọ Bình, cho biết nhiều gia đình cố cứu tài sản nhưng vẫn không kịp, đành bất lực nhìn lúa, lợn, gà, vịt, đồ đạc của gia đình cuốn theo dòng nước lũ. Sau trận lũ, xã Thọ Bình có 17 ngôi nhà bị sạt lở, sập, nước cuốn trôi, 11km đường giao thông bị hư hỏng… Hai gia đình có người bị chết do lũ đều thuộc hộ nghèo. Xã Thọ Tiến, cũng thuộc huyện Triệu Sơn, hàng trăm ngôi nhà, tài sản của người dân đang bị nhấn chìm trong nước lũ. Nhiều hộ gia đình bị lũ cuốn trôi hết lúa dự trữ, nguy cơ thiếu lương thực trong những ngày sắp tới.

Quảng Bình, Quảng Trị sẽ rơi vào tâm bão

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 9 tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15 – 20 km/h và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 16 giờ hôm nay, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc, 111,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển huyện đảo Hoàng Sa. Vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức từ 118 – 149 km/h), giật cấp 14, cấp 15. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 150 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính rất rộng, khoảng 300 km.

Trong khoảng 24 giờ tới, bão số 9 tiếp tục giữ tốc độ và hướng di chuyển. Như vậy, đến khoảng 16 giờ ngày 29/9, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị – Đà Nẵng khoảng 60 km về phía Đông (ở khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc, 108,4 độ Kinh Đông).
     
Ông Trần Thế Kiêm, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương nhận định: “Theo dự báo ban đầu, nếu tình hình không thay đổi, 19h ngày 29/9, bão tiếp cận đất liền các tỉnh miền Trung. Quảng Bình, Quảng Trị sẽ rơi vào tâm bão, gió cấp 13, giật cấp 14, 15. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh gió cấp 9, cấp 10, giật cấp 11. Thanh Hoá, gió cấp 6, cấp 7. Cường độ bão rất mạnh nên phạm vi ảnh hưởng trực tiếp sẽ bao trùm nhiều các tỉnh lân cận”.

Ông Kiêm nhận định, sau bão sẽ có mưa to đến rất to ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, đặc biệt là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Theo dự báo, lượng mưa từ ngày 28/9 đến hết ngày 30/9 khoảng 300mm – 500mm, các tỉnh cần hết sức chú ý theo dõi, đề phòng lũ quét, sạt lở đất, ngập úng.

Tại Quảng Bình, Bộ đội biên phòng kêu gọi hơn 3.500 tàu thuyền vào bờ an toàn. Còn 16 tàu với 208 thuyền viên đã được liên lạc và đang trên đường vào bờ tránh bão. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình đã cấp cho ba huyện bị mưa lũ gồm Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Lệ Thuỷ ba ca nô cứu hộ cứu nạn, mỗi huyện được cấp 100 nhà bạt để ứng phó với bão số 9. Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình sẵn sàng di dời hơn 2.000 hộ dân sống dọc sông, ven biển, những điểm trong yếu vào nơi an toàn.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, đến 18h hôm qua, hai tàu đánh bắt thuỷ hải sản xa bờ với 17 thuyền viên của thị trấn Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) đã tìm được nơi neo đậu trú bão tại cảng cá Cửa Hội, tỉnh Nghệ An. Lực lượng chức năng tỉnh này đã kêu gọi, giúp đỡ 8 tàu cá khác với 63 thuyền viên của thị trấn Cửa Việt đang đánh bắt hải sản ở vùng biển đảo Cồn Cỏ vào nơi trú bão an toàn. Đồng thời, kêu gọi và giúp đỡ 11 tàu cá với 69 thuyền viên của các tỉnh bạn đang khai thác hải sản ở vùng biển trên và các nơi khác trên vùng biển Quảng Trị vào nơi trú bão an toàn.

Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên – Huế cùng lãnh đạo các địa phương đang phối hợp giúp đỡ ngư dân sắp xếp, neo đậu tàu thuyền, chằng chồng tránh va đập. Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn chia làm ba mũi chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 9 trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi và thủy sản. Riêng trên hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, hiện có 4.000 tàu thuyền đang được ngành chức năng hỗ trợ, sắp xếp neo đậu tại hơn 30 vị trí an toàn. 

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các huyện có phương án di dời trên 1.000 hộ dân ở những nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ven biển, vùng thấp trũng… Các địa phương chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch nhanh lúa và hoa màu còn lại; tổ chức hướng dẫn các hộ dân chằn, chống nhà cửa an toàn. 

Tại Đà Nẵng, vùng C Hải quân đã triển khai cho các lực lượng tàu đang làm nhiệm vụ trên biển xa tổ chức bắn pháo hiệu báo bão và hướng dẫn tàu thuyền ngư dân vào nơi tránh bão. 400 cán bộ, chiến sĩ cùng 17 xe ôtô, hàng chục nhà bạt, 200 áo phao và nhiều dụng cụ y tế, thuốc men… sẵn sàng phục vụ nhân dân vùng bão, lũ. 5 tàu trực cấp cứu tại vịnh Đà Nẵng; cửa biển Thuận An (Thừa Thiên Huế); Cửa Đại (Quảng Nam) và Sa Kỳ (Quảng Ngãi) sẵn sàng thực hiện cứu nạn. Phó Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến cùng đoàn cán bộ của Quân chủng đã trực tiếp  kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị hải quân tại Đà Nẵng phòng bão.  Đoàn Phòng không B75 cũng huy động 450 cán bộ chiến sỹ cùng ba ca nô; 20 xe tải, xe con; 50 nhà bạt; gần 300 áo phao và phao cứu sinh; mỗi đơn vị chuẩn bị hai máy phát điện và nhiều dụng cụ y tế, thuốc men, mỳ tôm… sẵn sàng ứng cứu nhân dân khi có tình huống xảy ra. 

Tại Quảng Nam, tính đến chiều qua, gần 4.600 người dân trong vùng trũng, thấp, nhà cửa tạm bợ, nguy cơ xói lở cao, nằm trong diện phải di dời đến nơi an toàn. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương chuẩn bị phương án sơ tán dân, với phương châm, bốn tại chổ, kiểm tra, rà soát việc tích trữ lương thực, thực phẩm, y tế đảm bảo đủ cung cấp trong vòng 7 ngày. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam huy động 120 cán bộ, chiến sĩ cùng bốn tàu, 6 ca nô,ba xe ô-tô ứng trực sẵn sàng.

Hiện, hai đoàn công tác chống bão của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và Bộ Quốc phòng cũng đang có mặt tại Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh và Thừa Thiên – Huế. 

Philippnines: 53 người chết, 23 người mất tích do bão Ketsana
 

Ủy ban Hợp tác cứu nạn quốc gia Philippines (NDCC) cho biết đã có ít nhất 53 người chết và 23 người khác mất tích khi cơn bão Ketsana (bão số 9 theo tên gọi Việt Nam) tràn qua nước này hôm qua. khi lực lưGiới chức Philippines phải tuyên bố “tình trạng thiên tai” tại Manila và gần 30 khu vực phụ cận. Lực lượng cứu hộ, quân đội và cảnh sát nước này đã huy động trực thăng tăng cường tìm kiếm và cứu giúp người dân bị kẹt trong trận lụt lớn nhất 40 năm qua này. Hiện, còn hàng trăm người bị kẹt lại trên mái nhà và những khu vực không thể tiếp cận do ngập quá sâu.

Bão Ketsana với lượng mưa lên đến 410 mm trong suốt 9 giờ liền đã gây lở đất nhiều khu vực, khiến sân bay quốc tế Manila đóng cửa trong nhiều giờ và hơn 50 nghìn người dân nước này phải sơ tán. Ủy ban Hợp tác cứu nạn quốc gia Philippines cho rằng, lượng mưa tăng cao đột ngột so với mức kỷ lục được ghi nhận trước đây là 330 mm là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo Đất Việt Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *