Bên bờ hạnh phúc

"Tôi nhớ các đảo Lin Côn, Quang Ảnh, Hữu Nhật, Phú Lâm, Đá Bắc… ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam như thể nhớ nhà, bởi tôi cùng các bạn chài đã hàng trăm lần giong buồm xuôi ngược qua đây", ông Chính kể.

60 tuổi đời, hơn 40 năm đi biển, ông Dương Chính ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, đã hàng trăm bận đi về, xuôi ngược ở quần đảo Hoàng Sa của tổ quốc, nên được bạn chài tôn là "chỉ huy trưởng" đội tàu ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản.

"Tôi và những ngư phủ trẻ tuổi ở đảo Lý Sơn mãi mãi là hậu duệ của những hùng binh Hoàng Sa thuở trước, không bao giờ từ bỏ ngư trường quen thuộc để mưu sinh và khẳng định chủ quyền Việt Nam", ông Chính nói.

Ông vẫn nhớ như in cái ngày cùng các bạn chài đất đảo giong buồm trực chỉ Hoàng Sa để đánh bắt, vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, ngày 9/6/1987. Đây là chuyến đi dài đầu tiên sau thời gian ấp ủ mơ ước, bởi thời ấy tàu đánh cá của ngư dân Lý Sơn còn khá thô sơ; lại bị ảnh hưởng một thời gian dài chiến tranh chống Mỹ.

Để chuẩn bị cho chuyến đi, năm 1984, ông Chính vào xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh đặt đóng 3 chiếc thuyền, mỗi chiếc công suất gần 40 CV. Đây là những chiếc thuyền hoành tráng nhất ở đảo Lý Sơn lúc bấy giờ. Sau khi đóng được thuyền, ông về đất đảo vận động hơn 40 bạn chài, chuẩn bị lương thảo cho ngày giong buồm trực chỉ Hoàng Sa.

Ông Dương Chính, người tái mở đường cho các ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản, sau nhiều năm gián đoạn vì chiến tranh chống Mỹ. Ảnh: Phạm Khang

Đến ngày các chiếc tàu QNg-071 TS, QNg 072TS và QNg 073 TS do ông làm chỉ huy trưởng chuẩn bị ra khơi, người dân đất đảo không khỏi lo lắng về sự an nguy của các ngư phủ. Bởi, cả ba tàu không hề được trang bị những phương tiện hành nghề hiện đại, mà chỉ dựa vào kinh nghiệm của các ngư phủ để hướng về Hoàng Sa. Hiểu được nỗi lo này, ông Chính nói như đinh đóng cột: "Nếu chuyến đi Hoàng Sa lần này bị thua lỗ, tôi sẽ chịu mọi chi phí và đứng ra nhận trách nhiệm về sự an nguy của anh em". Trước sự quả quyết của vị "chỉ huy trưởng" Dương Chính, các bạn chài đã nhất loạt cùng ông một lòng đi Hoàng Sa để tìm sản vật.

Sau 3 ngày đêm cưỡi sóng, chỉ với chiếc đèn hột vịt đặt cạnh la bàn để phán đoán hướng đi, nhóm bạn chài đã chạm các đảo Tri Tôn, Bãi Cát Vàng của quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, ông Chính quyết định cho tàu buông neo tại cực Nam của quần đảo Hoàng Sa để dõi theo luồng cá. Quả như suy tính của ông Chính, ngư trường quen thuộc của ngư dân Quảng Ngãi hàng trăm năm trước là vùng đầy ắp hải vật.

Ông Chính nhớ lại, sau những mẻ lưới đầu tiên, nhóm bạn chài của ông đã thu về rất nhiều ốc đụn, xà cừ, cá nục, cá thu… Ông bảo: "Cả đời đi biển nhưng chưa bao giờ tận mắt chứng kiến những đàn cá khổng lồ như vậy ở quần đảo Hoàng Sa. Chỉ cần đứng trên thuyền cũng có thể nhìn thấy từng đàn cá thu, cá nục trắng lóa, ken dày mặt biển".

Sau 3 ngày đêm xuất phát từ Lý Sơn, các ngư dân đặt chân lên đảo Tri Tôn. "Năm đó, chúng tôi không hề gặp sự cản trở nào từ các tàu lạ. Mình đánh bắt, họ cũng đánh bắt. Có lần, chúng tôi và ngư dân Trung Quốc vẫn đổi nước ngọt cho nhau", người đàn ông quắc thước có giọng nói hào sảng cho biết.

Lần đó, sau gần 10 ngày đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa, cả 3 tàu đã không còn chỗ chứa hải sản. Ông ra lệnh cho các thuyền nhổ neo quay về cửa biển Hội An của tỉnh Quảng Nam và Phú Thọ của tỉnh Quảng Ngãi bán hàng cho các thương lái. Với thành công ngoài dự kiến từ chuyến đi Hoàng Sa vào năm 1987, liên tiếp những năm sau, ông cùng các bạn chài đất đảo thường xuyên đi về Hoàng Sa.

Kể từ sau lần tiền trạm Hoàng Sa mỹ mãn của ông Chính, ngư dân huyện Lý Sơn đã mạnh dạn đóng mới tàu thuyền và tổ chức nhiều đoàn ra ngư trường lớn này để đánh bắt.

Dõi mắt ra biển, vị "chỉ huy trưởng" đội tàu ra Hoàng Sa năm nào bùi ngùi: "Sau chuyến đi lần đầu tiên ấy, cứ mỗi lần về lại đất đảo là tôi lại cảm thấy nhớ Hoàng Sa cồn cào. Nỗi nhớ Hoàng Sa với tôi là nỗi nhớ của một người con xa quê nhớ về quê nhà".

Ông Chính tâm sự: "Tôi ra Hoàng Sa đánh bắt cá không chỉ vì nhu cầu kinh tế. Cứ mỗi lần đặt chân lên các đảo Quang Ảnh, Hữu Nhật, Phú Lâm, Lin Côn là tôi như được gặp lại tiền nhân – những hùng binh đất đảo vâng mệnh vua ra Hoàng Sa tìm sản vật và cắm mốc bảo vệ chủ quyền. Tên của các bậc tiền nhân ấy đã trở thành tên gọi của những hòn đảo thân yêu nằm giữa trùng dương mênh mông của Tổ Quốc. Ra ngoài ấy, tôi cảm thấy rất ấm lòng".

Giờ đây, không chỉ lớp thanh niên trai tráng nơi đất đảo mà những bạn chài một thời vẫy vùng sóng nước với ông vẫn thường xuyên ra Hoàng Sa đánh bắt. Người con trai của ông Chính, anh Dương Minh Thuấn năm nay đã 35 tuổi vẫn nối nghiệp cha, cùng các bạn chài điều khiển con tàu công suất 180 CV đến ngư trường này. Mỗi lần như thế, họ không quên tìm đến ông để được chỉ dẫn những kinh nghiệm về cách phỏng đoán luồng cá, kỹ thuật lặn đêm khai thác hải sâm, kỹ thuật đánh lưới vây rút chì… mà cả đời ông đã dày công tích lũy.

Toàn huyện Lý Sơn hiện có gần 400 tàu thuyền, công suất gần 25.000 mã lực. Trong đó, gần 2/3 tàu đủ sức vượt Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt, mỗi năm khai thác gần 25.000 tấn hải sản các loại. Lão ngư Dương Chính giờ đã giải nghệ nghề biển nhưng hàng ngày ông vẫn dõi mắt theo các đoàn tàu hướng về Hoàng Sa. Trong đoàn ngư phủ ấy, có người con trai của ông cùng các bạn chài. Tiếp bước ông, họ là hậu duệ của những hùng binh Hoàng Sa thuở trước, ngày đêm can trường ngược xuôi ở ngư trường quen thuộc để thu về những mẻ lưới đầy khoang.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *