Bên bờ hạnh phúc

Thảo luận sáng 2/6, đại biểu Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An) cho biết tâm tư của cử tri mong muốn sớm sửa đổi Luật Đất đai một cách căn bản đồng bộ và sớm hơn.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai, các ĐB băn khoăn phần lớn liên quan đến quy định chi tiết xung quanh đối tượng mở rộng được cho phép mua và sở hữu nhà.

Mua nhà ở TP.HCM thiệt hơn ở California?

Ảnh: TTXVN

ĐB Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An) cho rằng quy định "người có quốc tịch Việt Nam" được sở hữu nhà ở (không giới hạn số lượng) là quá rộng và cần phải có điều kiện khác để quy định thêm. Khoảng 70% trong tổng số hơn 3 triệu người Việt Nam đang ở nước ngoài vẫn đang giữ quốc tịch gốc, theo ĐB Nhị, là số lượng khá lớn để đảm bảo chặt chẽ.

ĐB đề xuất nên nói rõ hơn trong luật hoặc trong Nghị định của Chính phủ: phải là người có quốc tịch Việt Nam nhưng phải đủ 18 tuổi trở lên và có chứng minh khoản tiền mua nhà hợp pháp và chính đáng.

Đồng tình mở rộng đối tượng được cho phép mua và sở hữu nhà nhưng ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) băn khoăn pháp luật vẫn chưa đồng bộ, nhất là Luật Đất đai chưa được sửa đổi một cách cơ bản và hoàn thiện, năng lực cán bộ quản lý ở cấp cơ sở còn hạn chế và bất cập.

Từng có những băn khoăn giống các ĐBQH như trên, ông Trần Du Lịch (TPHCM) trước khi đến QH làm việc đã kịp làm việc với Hiệp hội Bất động sản TPHCM, các nhà kinh doanh, quản lý bất động sản.

Các nhà quản lý chuyên môn cho ông Lịch biết việc mở rộng đối tượng như vậy không đáng lo bởi "có mở cũng không ai mua nhiều". Hơn nữa, trong luật cũng quy định rõ mua chỉ để ở cho bản thân và gia đình, nếu không ở được cho thuê, nếu như không cho thuê thì không ai mua.

ĐB Lịch dẫn nhận định của Hiệp hội Bất động sản TP HCM rằng, giá nhà đất ở TP HCM và Hà Nội hiện quá đắt đỏ, nếu bán nhà ở Califonia để mua tại hai thành phố này thì thiệt, chưa phải hấp dẫn.

Đồng tình với ông Lịch, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng tâm lý của người Việt đó là "đồng tiền đi liền khúc ruột", bà con kiều bào ở nước ngoài cũng như ở trong nước khi lao động vất vả, dành dụm được một khoản tiền nào đó chi tiêu phải suy xét cẩn thận. Hơn nữa, không phải tất cả kiều bào nước ngoài đều có khoản dư dật để mua nhà.

Không muốn chỉ dừng ở việc sửa đổi quy định về việc mua nhà của Việt kiều, nhiều ĐBQH mong muốn sửa toàn diện Luật Đất đai. Ảnh:VNN.

"Đại bộ phận bà con ở nước ngoài cũng đủ kiếm sống, dành dụm được một chút thì không ai dại gì mà mang tiền về đầu tư vào Việt Nam để mua một căn nhà để đấy, gửi người khác, rủi ro rất lớn, thậm chí xảy ra tranh chấp. Khi xảy ra tranh chấp, ví dụ cho người ở trong nước thuê hộ nhà một tháng 1 triệu, nếu như có sự tranh chấp thì lại bay từ nước ngoài về có khi tốn vài chục triệu để về giải quyết 1 triệu này, chắc chắn người Việt Nam chúng ta ở nước ngoài sẽ không tính đến việc này" , ĐB Thường nói.

Tuy nhiên, ĐB không đồng tình quy định chỉ cho mua nhà để "sử dụng cho bản thân và gia đình ở". "Tôi đặt giả thiết là người ta không chấp nhận cái đó thì chế tài chúng ta xử lý việc này như thế nào. Xin báo cáo là theo tôi chúng ta không xử lý được, chúng ta không thể buộc công dân của chúng ta có nhà không ở thì bán cho người khác hoặc chúng ta tịch thu, rõ ràng quy định không hợp lý", ông Thường cho hay.

Sở hữu nhà, nghĩa vụ thế nào?

Dù dự luật mở rộng quyền và nghĩa vụ của kiều bào khi sở hữu nhà ở trong nước, trong đó cho phép cho thuê nhà trong thời gian tạm không sử dụng, nhưng ĐB K’sor Phước vẫn nhấn mạnh mọi quyền và nghĩa vụ của kiều bào không thể như công dân trong nước.

Ảnh: TTXVN

Góp ý về quyền cho thuê nhà trong thời gian tạm thời không dùng để ở, ĐB Quách Cao Yềm (Kon Tum) băn khoăn về thời hạn cụ thể kéo dài bao lâu. "Anh về 3 tháng, anh có sở hữu một căn nhà sau đó thị thực 5 năm thì anh cho thuê 5 năm, sau đó về lại thuê 10 năm. Tôi đề nghị chỉ cho thuê để sử dụng vào mục đích nhà ở, nếu cho thuê kinh doanh thì rõ ràng điều này tác động rất xấu đến quan hệ nhà ở".

ĐB Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An) đồng tình quan điểm nếu không làm rõ được thời gian cho thuê thì sẽ rất khó cho các nhà quản lý. Nhất là với những căn hộ ở khu chung cư, theo ĐB, nên cần xác định thêm thời gian tạm thời cho thuê là bao nhiêu năm. Nếu cho thuê hoặc thuê nhưng không ở thì thời gian là mấy năm, nếu không thì phải trả lại cho Nhà nước và Nhà nước thanh toán giá trị nhà cho người mua để dễ cho công tác quản lý.

Đề cập riêng đối tượng được cho phép mua nhà là người có kỹ năng đặc biệt, đóng góp cho Nhà nước, ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Phước) cho hay dự thảo luật có nhiều quy định ràng buộc, không khác nào các "khóa" như phải có giấy phép đầu tư, có được nhận phần thưởng cao quí của Đảng, Nhà nước như huân chương, huy chương….

Sửa phân tán, lo Luật Đất đai dở dang

Không góp ý thẳng vào nội dung các quy định sửa đổi liên quan đến việc người Việt Nam ở nước ngoài mua và sở hữu nhà, ĐB Trần Thế Vượng (Hải Dương) cho rằng hệ thống pháp luật về đất đai hiện rất phân tán.

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nêu câu hỏi liệu có nên sửa 2 điều thuộc hai luật khác nhau nói trên có cùng liên quan đến vấn đề đất đai trong khi nhiều vấn đề bức xúc của Luật Đất đai liên quan trực tiếp tới những quyền dân sự của người dân chưa giải quyết thấu đáo

ĐB Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An) cũng cho biết tâm tư của cử tri mong muốn sớm sửa đổi Luật Đất đai một cách căn bản đồng bộ và sớm hơn, chứ không phải chỉ sửa điều 121 của luật.

Ông Nhị đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đôn đốc chỉ đạo các cơ quan soạn thảo để chuẩn bị tốt, đảm bảo thời gian để sửa đổi Luật Đất đai, bởi vì đây là vấn đề rất lớn hết sức quan trọng và cấp bách, là mong muốn của cử tri, cán bộ các cấp hiện nay. Bức xúc nhất của cử tri về các vấn đề thu hồi đất, bồi thường tái định cư, tài chính đất đai, khung giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, đất tách hộ, tranh chấp đất đai.

Theo Xuân Linh (VietNamNet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *