Bên bờ hạnh phúc

Thảo luận cả ngày hôm nay (26/5) tại Hội trường về tình hình kinh tế – xã hội, nhiều ĐBQH cho rằng việc miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân 6 tháng cuối năm để kích cầu tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội như Chính phủ đề xuất là "chưa thuyết phục".

"Vinh dự" được đóng thuế

ĐBQH thảo luận về các gói giải pháp chống suy thoái kinh tế của Chính phủ. Ảnh: TTXVN

"Không cần thiết" là quan điểm của ĐB Nguyễn Đình Xuân đối với việc miễn, giảm thuế TNCN 6 tháng cuối năm cũng như sang năm tới cho một số đối tượng. Lý do "đơn giản" mà ông Xuân đưa ra là "trong thời buổi suy thoái kinh tế này, được đóng thuế này đã là một hạnh phúc rồi".

"Nhiều người không được đóng, bản thân tôi gom góp hết lại cũng không đủ mức để đóng như vậy. Sau khi trừ gia cảnh thì phải khoảng 10 triệu trở lên mới đóng, mà người có thu nhập từ 10 triệu trở lên đóng 200 nghìn thì ý nghĩa gì đâu", ông Xuân nói.

ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) nhận định việc miễn, giảm thuế TNCN theo tờ trình của Chính phủ với mục đích kích cầu tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội là "chưa thuyết phục".

ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) cũng thấy lập luận của tờ trình Chính phủ không thuyết phục và "hình như làm ngược, nói ngược". Ông phân tích: "Khi suy giảm kinh tế thì chỉ số giá tiêu dùng giảm, người có thu nhập đến mức được đóng thuế đã là sướng mà lại không mất giá thì còn sướng nữa. Bây giờ lại được giảm thuế thì không ổn".

Ông Lợi nhận định, muốn hỗ trợ cho gia đình có thu nhập thấp, không nên giảm thuế của đối tượng thu nhập cao vào 6 tháng cuối năm."Miễn thuế TNCN cũng chỉ cho được vài chục vạn người và chắc gì họ đã tiêu dùng trong nước, thường anh có thu nhập cao thì tiêu dùng hàng ngoại".

ĐB Nguyễn Minh Thuyết đồng tình: "Không thể nào cào bằng trong chuyện miễn thuế TNCN. Những người có thu nhập khá, thu nhập cao cần thấy vinh dự được đóng góp cho đất nước trong thời kỳ khó khăn như thế này".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền bên hành lang phiên họp QH ngày 26/5, một ngày sau khi Thủ tướng trở về từ chuyến thăm Nhật Bản. Ảnh: XL

Ông Thuyết cho rằng miễn thuế cho các nhà đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn… cho đến tận năm 2010 trong khi lại đánh thuế người làm công ăn lương là " không hợp lý".

Kích cầu cho nhà giàu

Về gói kích cầu mà Chính phủ đưa ra, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng việc miễn, giảm thuế đang "tập trung cho những doanh nghiệp có thu nhập, có hiệu quả mà chưa thấy có chính sách cho những doanh nghiệp không có cơ hội việc làm, không có tiền trả lương cho công nhân, không có khả năng tiếp cận vốn để tiếp tục hoạt động và đầu tư".

ĐB Điểu K`Ré (Đắk Nông) lo lắng trường hợp hàng vạn lao động Việt Nam ở nước ngoài phải về nước trước thời hạn, hàng vạn lao động trong nước mất việc làm, không lương, không thưởng, không bảo hiểm xã hội, không bảo hiểm y tế, nợ tiền ngân hàng. Số lao động bị mất việc làm nhiều sẽ làm nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp.

"Tôi đề nghị xem xét điều chỉnh bộ máy và cơ chế quản lý.

Thời gian qua, trong cơn bão suy thoái kinh tế, người cầm lái con thuyền hẳn đã thấy rõ tay chèo nào tài năng hay yếu kém, cột chèo nào vững chắc hay lung lay, những thứ gì thuyền cần trang bị thêm, những thứ gì cần dứt khoát vứt xuống biển cho nhẹ thuyền để dự báo.

Ai trong chúng ta cũng biết biển không chỉ có một cơn bão nhưng thuyền phải cập bến an toàn".

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương)

Không chỉ vậy, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) băn khoăn luồng người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc "quá dễ dàng" như nhập cảnh bằng con đường du lịch, thăm hỏi thân nhân, gia hạn visa rồi ở lại làm việc.

"Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, thực hiện nghiêm pháp luật lao động để đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong nước có việc làm".

Bội chi quá hóa bội thực

Thảo luận về mức bội chi ngân sách theo đề xuất của Chính phủ ở mức 8% GDP, ĐB Phạm Thị Loan cho rằng nếu tính cả trái phiếu Chính phủ thì con số này sẽ phải vượt quá 10%.

"Nguy cơ tái lạm phát là nhãn tiền và đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá. Tôi đề nghị xem lại mức bội chi này. Chúng ta chỉ nên ở mức tối đa 7% gồm cả trái phiếu Chính phủ", bà Loan nhắc lại quan điểm đã nêu tại phiên thảo luận tổ tuần trước.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cũng cho rằng phải tính toán thêm mức bội chi. Khi đưa phương án bội chi không quá 8% GDP, thì GDP vẫn được tính theo phương án cũ là 6,5%, còn nếu tỉnh tổng GDP theo phương án tăng trưởng đã điều chỉnh còn khoảng 5% thì mức bội chi sẽ lớn hơn.

Lý giải cụ thể hơn, ĐB Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) cho hay thực chất các khoản vay của ngân sách địa phương cũng chính là bội chi ngân sách Nhà nước, các khoản chi ngoài ngân sách khác chưa được tính đầy đủ khi tính mức bội chi. Nếu tính cặn kẽ mức bội chi thì tăng trưởng GDP có nhiều khả năng không đạt 5% mà chỉ dừng lại ở 4 – 4,5%.

ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) cũng cảnh báo nếu bội chi ngân sách không hấp thụ hết sẽ dẫn đến "bội thực, thất thoát, lãng phí" và tạo cơ hội cho tham nhũng, lạm phát.

Theo Xuân Linh (VietNamNet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *