Bên bờ hạnh phúc

Hơn 450 ngôi nhà bị tốc mái; 61 tàu bị vỡ, trôi; cứu được 71 người

Ngày 18-7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương (Ban Chỉ đạo), đã chủ trì cuộc họp rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, phòng chống bão Côn Sơn – cơn bão số 1.

Sửa lại bờ kè ở TP Quảng Ninh do bão số 1 gây ra. Ảnh: THẾ DŨNG

Tiếp cận được tàu bị nạn

Tại buổi họp, ông Phát đánh giá cao sự phản ứng kịp thời, quyết liệt của chính quyền các địa phương trong việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, sơ tán dân ở vùng nguy hiểm. Theo ông Phát, ngành khí tượng đã dự báo bão hướng lên phía Bắc và khuyến cáo ngư dân nên ra khỏi vùng biển khu vực quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, có một số tàu vẫn bám trụ đã bị bão đánh vỡ 6 tàu. 71 ngư dân đã được cứu. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và các địa phương vẫn đang tích cực tìm kiếm. Quân chủng Hải quân cũng điều 3 tàu tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn và đến sáng nay đã ra tới Hoàng Sa, đang tìm cách tiếp cận các tàu gặp nạn.

Ngày 18-7, Ban Chỉ đạo đã có công điện gửi các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo phương án chủ động đối phó với bão. Theo đó, công văn đề nghị các tỉnh, TP và các bộ, ngành thông báo kịp thời cho chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết thông tin về diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ tàu thuyền, chuẩn bị triển khai phương án phòng, chống lụt, bão. Duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu…

Không có thiệt hại về người tại các địa phương bão đổ bộ. Trước đó, xác định có 12 người mất tích. Nhưng đến trưa 18-7, tại Quảng Ninh đã tìm thấy được 5 người.

Thiệt hại lớn tàu bè, nhà cửa

Theo Ban Chỉ đạo, thống kê ban đầu từ các địa phương, bão số 1 đã làm 454 ngôi nhà bị tốc mái; 27 tàu chìm, vỡ; 34 tàu bị trôi; 33 lồng bè nuôi hải sản bị vỡ, chủ yếu là ở Quảng Ninh. Ngoài ra, tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nội… đã có hàng trăm cây xanh bật gốc, gãy cành, hàng chục cột điện bị đổ, đường dây điện hư hỏng, nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại…

Tại TP Hải Phòng, tính đến sáng 18-7, trên địa bàn đã có 3 người bị thương do bão, 103 nhà bị hư hại, tốc mái, tập trung ở huyện Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, quận Hồng Bàng, Đồ Sơn, Ngô Quyền, Hải An. Bão làm 4 tàu du lịch của Quảng Ninh bị chìm; vỡ một bè nuôi thủy sản. Cầu Bính bị hư hại nặng do 3 tàu biển va chạm (chưa xác định được mức độ thiệt hại); gãy đổ 19 cột điện các loại; sạt lở 200 m kè chắn sóng của dự án Khu Du lịch Hòn Dấu…

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Thành yêu cầu các địa phương thống kê chính xác mức độ thiệt hại do bão gây ra để có phương án khắc phục, đặc biệt là đảo Bạch Long Vĩ. Các địa phương khẩn trương khôi phục sản xuất, hoạt động kinh doanh, du lịch và ổn định đời sống của người dân.

Theo tin từ cơ quan chức năng Quảng Ninh, thiệt hại về tài sản do bão số 1 gây ra ước tính 4,5 tỉ đồng, có một người bị thương là ông Lương Văn Quang, một trong 4 thuyền viên tàu vận tải bị chìm ở khu vực hòn Gà Chọi (TP Hạ Long). Ngoài ra, còn một xác cháu bé (chết do bệnh) tại phường Yết Kiêu (TP Hạ Long) bị sóng cuốn khi người thân đang mang vào bờ an táng. Toàn tỉnh Quảng Ninh có 27 tàu thuyền bị đắm, 351 nhà bị tốc mái, 20 chiếc lồng bè bị vỡ, 9 cột điện gãy đổ, hàng trăm cây xanh bật gốc.

38.960 ha lúa bị ngập úng

Ông Đỗ Văn Khánh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, cho biết bão số 1 đã làm 15 ghe thúng bị chìm tại xã Giao Xuân (Giao Thủy); sạt lở đê Cổ Vậy (xã Giao Phong, Giao Thủy); 38.960 ha lúa bị ngập úng.

Theo ông Khánh, hiện các công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà và các huyện, TP Nam Định đang tiêu rút nước chống úng. Tỉnh Nam Định đã huy động 109 máy bơm của các trạm bơm Hữu Bị, Cốc Thành, Cổ Đam, Vĩnh Trị thực hiện việc tiêu rút nước. Ở phía Bắc tỉnh, các trạm bơm vừa và nhỏ của hơn 200 xã hoạt động hết công suất để bơm nước ra khỏi đồng, bảo đảm an toàn cho lúa. Phía Nam tỉnh, lực lượng chức năng lợi dụng triệt để chân triều thấp để mở cống tiêu thoát nước. Tỉnh cũng vận động nhân dân khẩn trương khắc phục ảnh hưởng của mưa bão, tập trung tiêu thoát nước cho những vùng bị ngập úng và tranh thủ cấy hết diện tích lúa mùa trong khung thời vụ tốt nhất.

ATNĐ có khả năng thành bão

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tối 17-7, sau khi đi vào địa phận các tỉnh Hải Phòng – Thái Bình, bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).

Theo sau cơn bão số 1, một ATNĐ mới đang hình thành vào chiều 18-7, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 15,2 đến 16,2 độ vĩ Bắc; 121,5 đến 122,5 độ kinh Đông, trên vùng bờ biển phía Đông đảo Luzon- Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (từ 50 đến 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9. Dự báo đến chiều nay (19-7), ATNĐ di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9. Do ảnh hưởng của ATNĐ, vùng biển phía Đông biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, biển động mạnh.

Theo Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *