Bên bờ hạnh phúc

Trong hai ngày (22 – 23.4.2010) diễn ra phiên chợ hàng Việt ở huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, doanh nghiệp đã rất bất ngờ khi ở một nơi hàng Trung Quốc xuất hiện khá nhiều tưởng như không còn chỗ đứng cho hàng Việt, thì doanh số bán hàng lại rất khả quan.

 

Tại khu vực đường đôi trước cửa UBND huyện Văn Quan, suốt hai ngày diễn ra phiên chợ, khách kéo đến rất đông tại các gian hàng. Những người nông dân vùng sơn cước lam lũ tay xách nách mang những thùng mì tôm Hảo Hảo, những gói bột giặt Lix hay nước rửa chén Mỹ Hảo phấn khởi ra về.

Doanh nghiệp bất ngờ

Rộn ràng nhất có lẽ là gian hàng mũ bảo hiểm của Chí Thành. Nhân viên vừa giới thiệu sản phẩm vừa biểu diễn cho khách mua hàng xem bằng cách đập những chiếc mũ bảo hiểm xuống đất để chứng minh sản phẩm của mình bền thế nào. Nhiều người khi chứng kiến và thấy mẫu mã của Chí Thành cũng khá đẹp mắt nên không ngần ngại bỏ tiền ra, có người mua hai cái cho người thân trong gia đình. Chị Ngọc Anh, cầm hai chiếc mũ bảo hiểm của Chí Thành và giải thích: ở đây cũng có mũ bảo hiểm giá rẻ hơn, nhưng mẫu không đẹp như của Chí Thành, ngoài ra còn được giảm 50 ngàn đồng nên cũng không còn đắt lắm. Anh Nguyễn Quang Minh, phụ trách bán hàng của Chí Thành cho biết, cứ nghĩ sản phẩm khó tiêu thụ ở vùng này nhưng không ngờ lại bán được đạt doanh số mà khi ra đi cả đội kỳ vọng. Trong ngày đầu tiên gian hàng này đã bán được gần 200 cái.

Bất ngờ nhất có lẽ là ở gian hàng của Vinatex. Nếu trong lần bán hàng ở Thái Bình, doanh số của Vinatex không cao thì lần này hoàn toàn khác. Trong buổi tối ngày 23 và sáng ngày 24.4, khách kéo đến rất đông khiến nhân viên cũng phải bất ngờ và bán hàng không kịp. Mặc dù so với bên ngoài, giá quần áo của Vinatex cao hơn, nhưng nhìn chất lượng tốt, nhiều người đã không ngần ngại bỏ ra hơn 100 ngàn đồng để mua một cái áo sơ mi hay bộ đồ mặc ở nhà. Đại diện của Vinatex giải thích, ở các huyện của Thái Bình do gần trung tâm, hàng hóa đã bị bão hòa nên khi đưa hàng về, người dân không mặn mà. Còn ở vùng này, hàng hóa rất ít, cả thị trấn chỉ có vài cửa hàng và chủ yếu là hàng Trung Quốc, mẫu mã và chất lượng không được đẹp nên khi có cơ hội tiếp cận với hàng Việt chất lượng cao, họ ưng ý ngay và sẵn sàng bỏ tiền ra mua.

Không chỉ Chí Thành, Vinatex mà nhiều doanh nghiệp khác cũng bất ngờ với doanh thu tại Văn Quan. Anh Tăng Quang Trọng, giám đốc kinh doanh công ty cổ phần hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho biết sản phẩm nước xả vải bán rất chạy ở đây. Lúc đưa hàng lên, anh chỉ nghĩ với mức thu nhập ở đây thì người dân chỉ cần đến bột giặt, nước rửa chén, dầu gội đầu chứ không nghĩ họ cũng có nhu cầu quần áo phải mềm và thơm. Trong hai ngày bán hàng ở Văn Quan, nhiều sản phẩm của Mỹ Hảo đã “cháy hàng”, phải điều nhà phân phối mang thêm hàng vào cho đợt bán hàng ở Bắc Sơn diễn ra từ 24 – 25.4.

Giúp người dân vùng biên tiếp cận với hàng Việt

Tối ngày 22.4, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với các doanh nghiệp tham gia chợ phiên đã trao 30 phần quà cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn của Văn Quan, khiến người dân ở đây rất xúc động. Cùng ngày hôm đó, nhiều người dân nghèo đã được khám và nhận thuốc miễn phí, đồng thời ngày hôm sau hơn 200 cụ già đã được tư vấn sức khỏe và nhận quà từ Traphaco. Những hoạt động này khiến người dân có cảm tình với phiên chợ hàng Việt.

Theo ông Hoàng Văn Dũng, phó chủ tịch UBND huyện Văn Quan, hiện nay ở Văn Quan, hàng hóa Trung Quốc rất nhiều, còn hàng Việt Nam mặc dù chất lượng tốt, giá cả hợp lý nhưng lại chưa được quảng bá rộng rãi đến người dân ở vùng nông thôn nên sức cạnh tranh chưa cao. Phiên chợ lần này chính là cầu nối để người nông thôn được tiếp cận với hàng Việt chất lượng cao, đồng thời sẽ tạo ra khả năng nhận biết cũng như sự tin cậy của người dân vào hàng Việt. Còn theo ông Võ Văn Quyền, phó vụ trưởng vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công thương), việc đưa hàng Việt về Lạng Sơn là chuyến thực nghiệm, để làm phép thử, phép đo của doanh nghiệp đối với đại lý, các nhà phân phối, và đối với người tiêu dùng nông thôn giữa hàng Việt và hàng ngoại. Và mục đích cuối cùng là làm sao để doanh nghiệp có thể trường tồn lâu dài trên các địa bàn, trong đó có các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Sau chuyến bán hàng này, các doanh nghiệp đều mong người dân nơi đây đã phần nào nhận biết được sản phẩm của mình và hi vọng sẽ mở rộng được thị trường tại vùng nông thôn vốn được coi là “điểm nóng”của hàng Trung Quốc.

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *