Bên bờ hạnh phúc

Festival sẽ tạo thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam

Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất tại Hậu Giang Festival đã sẵn sàng cho ngày khai mạc. Mọi công tác chuẩn bị đang khẩn trương để hoàn tất. Ông Trịnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Festival, cho biết:

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Quang Hưng

Việc tổ chức Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất nhằm mục đích tôn vinh nền văn minh lúa nước Việt Nam gắn với truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc. Qua Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất sẽ góp phần đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, phát triển giao thương buôn bán và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam. Trong đó, cố gắng xây dựng thương hiệu lúa gạo ĐBSCL cũng như của Hậu Giang – một trong những trung tâm buôn bán lúa gạo của Việt Nam. Ngoài ra, qua Festival lần này cũng tạo động lực phát triển của một tỉnh mới, tạo sự quan tâm đối với Hậu Giang.

* Sản lượng lúa ở Hậu Giang còn thấp so với nhiều tỉnh ĐBSCL. Như vậy nguyên nhân nào để Hậu Giang vinh dự tổ chức Festival, thưa ông ?

Theo tôi, không phải nơi nào có diện tích lớn, sản lượng cao là tổ chức Festival lúa gạo. Thí dụ như Singapore, Nhật Bản không giàu tài nguyên, tiềm năng nhưng người ta vẫn phát triển được nhiều lĩnh vực… Tuy nhiên, nguyên nhân chính để Hậu Giang tổ chức Festival lần này vì Hậu Giang có vị trí trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu – vùng sản xuất lúa gạo của ĐBSCL. Hậu Giang còn là nơi xuất khẩu lúa gạo sớm của cả nước. Vào những năm 40 của thế kỷ trước, tại kênh xáng Xà No đã có kho lúa lớn ở Bảy Ngàn và cũng xuất khẩu nhiều lúa gạo ra thế giới cũng tại nơi đây. Đó không phải là nguyên nhân quyết định của việc tổ chức Festival mà nó là chi tiết thú vị cho Festival lần này.

* Thưa ông, đến giờ này thì công tác chuẩn bị tổ chức Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất đã được thực hiện ra sao ?

Thời gian chuẩn bị Festival rất ngắn, nhưng rất mừng là đến giờ này đã cơ bản hoàn thành mọi công tác chuẩn bị. Hiện tại, công tác tổ chức dàn dựng, trang trí, hội chợ triển lãm đang được tiến hành xây dựng. Trong đó, khu trung tâm triển lãm thông tin giao dịch chợ gạo đến nay đã đăng ký được 400 gian hàng theo thiết kế. Với sự tham gia của 30 tỉnh, thành phố và 300 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Khu trưng bày triển lãm “cây lúa Việt Nam” với diện tích 1.800 m2 đã và đang tiến hành thi công theo tiến độ. Ngoài ra, khu triển lãm mô hình trong nhà; máy động lực; hội chợ hàng công nghiệp, hàng tiêu dùng, hàng Việt về nông thôn; trang trí đường phố, đèn hoa; dàn dựng cổng chào chính, cổng chào trung tâm và cổng chào khác trong phạm vi tổ chức lễ hội đang chuẩn bị hoàn tất các công đoạn cuối cùng.

* Xin ông cho biết, các chương trình và hoạt động chủ yếu của Festival lần này ?

Đây là sự kiện quan trọng về kinh tế – văn hóa – xã hội tại Hậu Giang. Festival có gần 20 hoạt động, trong đó các hoạt động chính gồm: lễ hội khai mạc, bế mạc, giới thiệu giá trị nghệ thuật đặc trưng của sông nước Cửu Long gắn với văn minh lúa nước và bản sắc văn hóa của mỗi vùng, miền đất nước. Bốn cuộc hội thảo gồm: Hội thảo quốc tế về xuất khẩu gạo, Hội thảo xúc tiến đầu tư, Hội thảo “kênh xáng Xà No – Con đường lúa gạo miền Hậu Giang”, Hội thảo về cây lúa nước Việt Nam. Về triển lãm có tất cả 500 gian hàng. Ngoài 300 gian triển lãm của các doanh nghiệp ngành kinh doanh lương thực và doanh nghiệp có sản phẩm phục vụ sản xuất lúa gạo, còn có hơn 100 gian triển lãm của các tỉnh, thành phố, khu triển lãm trong nhà và ngoài trời, khu triển lãm của ngành lương thực Việt Nam, khu chợ lúa gạo Việt Nam…

Ngoài ra, còn nhiều hoạt động phụ như: Trao cúp vàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo uy tín của Việt Nam, trao giải thưởng khuyến nông giỏi, liên hoan đờn ca tài tử, tái hiện chợ nổi, tổ chức lễ hội ẩm thực, đua ghe ngo, tổ chức tour du lịch, đoàn xe hoa diễu hành chào mừng Festival với khoảng 30 chiếc đến từ TP.Hồ Chí Minh, lễ gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội…

Sắp đặt lúa tại khu triển lãm nông nghiệp.

* Xin ông cho biết, sau Festival này Hậu Giang cần làm gì để nâng cao chất lượng hạt gạo trên thị trường ?

Trước mắt, ngành nông nghiệp cần quy hoạch lại vùng sản xuất lúa cao sản, chất lượng cao. Đầu tư các trang thiết bị, máy móc để nâng cao chất lượng hạt lúa. Đồng thời phải làm tốt khâu bảo quản, chế biến sản phẩm. Liên kết giữa các nhà sao cho sòng phẳng, công bằng, đảm bảo lợi ích cho người trồng lúa.

* Xin ông đánh giá cơ hội của lúa gạo Hậu Giang cũng như lúa gạo Việt Nam trong lần tổ chức Festival này ?

Không thể nói Festival này bán được bao nhiêu gạo, ký được bao nhiêu hợp đồng, nhưng điều chắc chắn là tiếp thị được thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam, nói lên lòng tự hào của người Việt Nam đối với nền nông nghiệp, trong đó có sản xuất lúa gạo. Qua Festival cũng tạo thương hiệu cho Hậu Giang cũng như của cả vùng ĐBSCL đối với khách hàng trong nước và bạn bè quốc tế; giới thiệu cách làm ăn, sản xuất lúa gạo để mọi người khi nhắc tới lúa gạo là nghĩ ngay tới Hậu Giang. Qua đó, hình thành chợ gạo, trung tâm phân phối lúa gạo trong nước và thị trường xuất khẩu; thúc đẩy phát triển giao lưu, buôn bán lúa gạo trong tương lai.

* Xin cảm ơn ông !

Theo Báo Hậu Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *