Bên bờ hạnh phúc

Ngày càng có nhiều người sử dụng đũa inox, đũa nhôm thay thế đũa tre. Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo, cần thận trọng để không mua nhầm phải đũa chỉ mạ inox bên ngoài.Đũa inox nhiều ưu điểm hơn đũa tre

Theo PGS-TS Tô Duy Phương, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), tại Việt Nam, đũa inox mới bắt đầu được sử dụng, trong khi tại các nước như Ấn Độ, Hàn Quốc… đã sử dụng từ lâu.

Nhìn chung, inox là chất liệu chịu nhiệt nên khi được sản xuất thành đũa để sử dụng trong ẩm thực, không bị cháy, hỏng… Ngoài ra, inox không bị oxy hoá, bền trong môi trường xâm thực của kiềm, axit và bazơ nên đũa luôn đảm bảo chất lượng, chỉ trừ axit clo sẽ làm inox đổi màu.

Ngoài ra, đũa inox có nhiều ưu điểm như dễ rửa sạch, không bám dính thức ăn như đũa tre, không bị mốc trong môi trường ẩm thấp, nhất là trong thời tiết nồm của khí hậu Việt Nam.

Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Theo PGS Tô Duy Phương, trên thị trường cũng xuất hiện đũa nhôm, nhưng được người tiêu dùng ít sử dụng hơn đũa inox. Nhôm có đặc tính là có thể bị ăn mòn và dẫn nhiệt nên khi nấu có thể bị nóng. Ngoài ra, đũa nhôm thường có lớp oxit trên bề mặt do bị oxy hoá.

"Tuy nhiên chất này trơ cứng trên bề mặt nên chỉ bị tan trong axit chứ không tan trong môi trường axit hữu cơ của thức ăn, nên người dân không nên quá lo lắng", PGS Phương cho biết.

Cảnh giác với đũa mạ inox

Theo TS Nguyễn Ngọc Phong – Trưởng phòng Nghiên cứu Ăn mòn và Bảo vệ Vật liệu Kim loại (Viện Khoa học Vật liệu), hạn chế của đũa inox là bị dẫn nhiệt nên không thể sử dụng để nấu ăn. Ngoài ra, khi dùng để ăn thức ăn nóng cũng dễ bị bỏng tay.

"Đũa inox thường trơn khi gắp thức ăn hơn đũa tre, khi gắp thức ăn thường kêu lách cách. Điều này có thể được cho là bất lịch sự trong văn hoá ẩm thực Việt Nam. Vì thế trong các bữa tiệc, đũa inox được sử dụng rất hạn chế", TS Phong cho biết.

Tuy nhiên các chuyên gia vật liệu cảnh báo tuyệt đối không được sử dụng đũa mạ inox.

TS Phong cho biết, khác với đũa bằng inox xịn, chất liệu chính của đũa mạ inox có thể là thép hoặc tôn sắt. Để sản phẩm được trang trí đẹp mắt, tạo độ bóng hấp dẫn người mua, nhà sản xuất có thể mạ một lớp đồng, lớp niken và lớp crôm mỏng.

Nhưng để giá thành được rẻ, nhà sản xuất có thể sử dụng các chất mạ kém chất lượng, pha tạp nhiều chất hoặc không mạ lớp đồng. Trong quá trình sử dụng, chắc chắn gây nên các chà xát, cũng như việc đũa được sử dụng trong môi trường axit (chua, cay, mặn, ngọt) của thức ăn, sẽ khiến lớp mạ này bị bong tróc.

“Các chất mạ là kim loại nặng, nếu lẫn vào thức ăn, lâu ngày, có thể tạo nên sự tích tụ kim loại nặng trong cơ thể, dẫn đến các bệnh nguy hiểm như gan, ung thư…", TS Phong chỉ rõ.

Theo các chuyên gia, có thể phân biệt đũa inox xịn và được mạ inox bằng cách: Đũa inox xịn sẽ có màu sáng nhờ nhợ còn inox mạ sẽ có màu sáng bóng loáng. Nếu dùng nam châm, đũa inox xịn không hút hoặc hút nhẹ tay còn đũa mạ inox sẽ hút mạnh.

Theo Vân Đài (Khoa học & Đời sống)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *