Bên bờ hạnh phúc

– Ẩm thực Việt Nam vừa ngon vừa lành, chủ yếu là rau, củ, quả lấy tự nhiên là gốc. Cách chế biến thì chủ yếu là hấp và luộc. Với hơn 3.000 món ăn, có thể khẳng định Việt Nam có tiềm năng lớn về ẩm thực.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã.

– Ý tưởng đưa bếp Việt ra thế giới có từ khi nào, thưa ông?

– Thực ra, trước năm 1975, chúng tôi đã xây dựng được nhóm nghiên cứu về truyền thống Viêt Nam, rồi bắt tay lập nhóm nghiên cứu về các món ăn Việt Nam. Những buổi giới thiệu về món ăn Việt lần lượt được tổ chức. Từ ban đầu với 40 món, rồi lớn dần tới 170 món… Ban đầu chỉ ở TP HCM, sau đó thì ra nhiều nơi. Tuy nhiên, truyền thống kỹ thuật nấu ăn các món Việt chủ yếu là học từ gia đình, học lẫn nhau. Điều này một mặt làm phong phú hương vị, nhưng cũng làm thiếu đi sự chuẩn mực cần thiết, chiều sâu để quảng bá. Do đó, phải tìm cách để mọi người cùng chung tay quảng bá “bếp Việt”.

– Theo ông, cách nào để người Việt chung tay quảng bá ẩm thực nước nhà?

Vấn đề là phải có kế hoạch cụ thể, xây dựng hệ thống phân phối. Hiện nay thì việc vận chuyển thuận lợi và rất nhanh. Mong muốn của tôi là cùng nhau xây dựng chuẩn các món ăn thuần Việt từ khâu thiết kế bếp, trang trí nội thất, dụng cụ ẩm thực, cách chế biến món ăn, trình bày… Làm cho nơi nào trên thế giới chưa có ẩm thực Việt Nam, thì sẽ có, nơi có rồi sẽ nhiều hơn. Muốn được vậy, trước hết chúng tôi phải kêu gọi sự đồng thuận từ cộng đồng. Khi có sự đồng thuận rồi thì kêu gọi mỗi người xây dựng một “kế hoạch nhỏ”. Hiện tại, “kế hoạch nhỏ” của tôi là tổ chức bếp Việt tốt tại địa chỉ www.amthuc.net.vn để nối kết những người yêu ẩm thực Việt trên toàn thế giới, qua thông tin chia sẻ, những buổi giao lưu trực tuyến.

– Kế hoạch xây dựng bếp Việt của tiến sĩ đã tìm được sự đồng thuận như thế nào?

– Mục đích đưa bếp Việt ra thế giới của tôi cũng không nằm ngoài việc muốn nâng tầm văn hóa, tâm hồn người Việt, tạo lòng tự hào về văn hóa Việt cốt để dân tộc lớn mạnh hơn. Chúng tôi đã có những ý kiến đóng góp từ khắp nơi, trong đó, có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ngày 28/8, Viện nghiên cứu ẩm thực Việt Nam đã tổ chức một buổi giao lưu trực tuyến Làm sao quảng bá Phở Việt khắp thế giới và đã nhận được ý kiến của đông đảo bà con trong và ngoài nước. Nhiều kiều bào đã đưa ra những nhận xét về cách nấu Phở ở Bỉ, ăn Phở ở Thụy Sĩ và các nơi khác trên thế giới.

– Kế hoạch sắp tới trong việc xây dựng bếp Việt là gì, thưa ông?

– Trước hết là đi tìm những công thức truyền thống về cách nấu các món đặc trưng, chẳng hạn như Phở Hàng Đồng Nam Định. Rồi tìm những nghệ nhân nấu ăn. Sau đó tổ chức giao lưu, chuyển giao công nghệ cho các nhà hàng để nâng chất “bếp Việt”. Tôi cũng đang có kế hoạch xây dựng một số nơi làm điểm vừa là địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn, vừa là nơi cung cấp các món Việt ngon nhất. Mình chưa có sức làm hết thì mình làm điểm trước.

– Những khó khăn khi tiến hành quảng bá bếp Việt?

– Là vấn đề tài chính, nhưng chúng tôi làm bằng khả năng và làm hết lòng. Như các bạn thấy đấy, trang web ẩm thực của chúng tôi do một nhóm trẻ tình nguyện làm cho, dù còn nghèo nhưng không có nghĩa là thiếu nội dung hay. Nói chung là nếu có đam mê, có say mê thì cái khó nào cũng sẽ vượt qua.

Theo Đất Việt Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *