Bên bờ hạnh phúc

Chiếc đồng hồ được xây bằng gạch, đá, xem giờ dựa vào bóng nắng, nhưng chính xác đến từng phút khiến du khách ai cũng phải ngỡ ngàng. Nhờ đồng hồ đá, hậu thế có cơ hội ngưỡng mộ một trí tuệ Việt Nam đáng nể sinh ra từ thế kỷ 19.

Đầu tháng 12, đang mùa nước nổi, chúng tôi có dịp được theo đoàn famtrip gồm đại diện các báo, đài và lữ hành miền Trung về khảo sát các tuyến điểm du lịch dọc đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng hồ đá Thái Dương.

Nhà bác vật – kỹ sư Lưu Văn lang sinh năm 1880, mất năm 1969, tại Tân Phú Đông, Sa Đéc (Đồng Tháp ngày nay). Từ nhỏ, với trình độ học vấn xuất sắc, ông được vào học trường Chasseloup Laubat. Đến năm 17 tuổi, ông đỗ tú tài 2 và nhận học bổng du học Pháp, học trường École Centrale de Paris là trường đào tạo kỹ sư lớn nhất nước Pháp thời bấy giờ.

Năm 1904, ông tốt nghiệp trường đào tạo kỹ sư tại Pháp hạng ưu, là một trong ba người xuất sắc nhất trường. Về nước, ông được cử sang Vân Nam (Trung Quốc) tham gia tuyến xe lửa nối liền Trung Quốc với Đông Dương và thường hay về theo dõi các công trình xây dựng ở Bạc Liêu.

Theo lời kể của hướng dẫn viên (không rõ có phải là giai thoại), trong một lần về tỉnh này, đi qua cầu Long Thạnh đang xây, ông kỹ sư đầu tiên của Nam Bộ lấy gậy gõ vào thành cầu rồi nói chắc như đinh đóng cột rằng cầu này một tháng sau sẽ sập. Tiên đoán của nhà bác vật Lưu Văn Lang khiến ông kỹ sư người Pháp giám sát thi công cầu Long Thạnh phiền lòng đến mức phẫn nộ. Nhưng chính ông kỹ sư Pháp ấy, đúng một tháng sau, phải bái phục tài năng của nhà bác vật Lưu Văn Lang khi cây cầu sập thật. Cầu Long Thạnh có tên cầu Sập cũng từ đó.

Điểm dừng chân đầu tiên của hành trình “Về đồng bằng xanh” là Bạc Liêu trứ danh với khúc Dạ cổ Hoài lang nổi tiếng của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và những giai thoại về các đại công tử “đốt tiền nấu cháo”. Nhưng ít ai biết ở đây còn có một di tích vừa được tỉnh Bạc Liêu tôn tạo, rất hấp dẫn du khách – đồng hồ đá Thái Dương độc đáo và duy nhất ở Việt Nam của nhà bác vật (cách gọi các kỹ sư của người miền Nam xưa) Lưu Văn Lang.

Chiếc đồng hồ đá cao 1 mét, rộng 0,8 mét, đặt trong sân sau Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bạc Liêu (số 84, đường Hai Bà Trưng), cách điểm tham quan nhà công tử Bạc Liêu một đoạn đường bộ khoảng vài trăm mét, ngay khu trung tâm thành phố Bạc Liêu.

Chiếc đồng hồ đá quay mặt về hướng Đông, là món quà tặng của nhà bác vật Lưu Văn Lang – kỹ sư đầu tiên của Nam Bộ – dành cho tỉnh trưởng Bạc Liêu để đáp lại sự đối đãi ân cần của ông tỉnh trưởng với người hiền tài.

Khi đến thăm khu di tích đồng hồ đá Thái Dương có vẻ ngoài không đáng lưu tâm này, hướng dẫn viên chỉ cho mọi người cách xem giờ dựa vào bóng nắng đổ mặt đồng hồ, ranh giới sáng – tối giống như cây kim chỉ giờ, sẽ nằm đúng vào vạch giờ phút đã được khắc sẵn trên mặt đồng hồ đá. Khách du lịch khi so bóng nắng với đồng hồ của mình thấy trùng khớp đều tỏ ra rất ngạc nhiên và thích thú.

Nguyên lý hoạt động của đồng hồ đá được lý giải như sau: trên bề mặt đồng hồ có ba phần: phần ở giữa là một khối hình chữ nhật nhô ra phía trước, hai khối hình vuông xây bằng gạch cân đối hai bên, mỗi bên vạch 6 số La Mã từ I-XII để chỉ giờ. Phần khối hình chữ nhật chính giữa nhô lên giới hạn ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào các số ở hai bên đồng hồ, chia mặt đồng hồ thành hai mảng sáng tối rõ rệt. Điểm giờ nằm trên lằn ranh giới giữa hai mảng sáng – tối ấy sẽ trả lời cho câu hỏi: “Bây giờ là mấy giờ?”. Bắt đầu từ lúc mặt trời mọc, mặt trời lên cao chừng nào thì bóng nắng chạy theo đến đó, đúng ngọ thì bóng nắng đổ đúng số 12. Buổi chiều, bóng nắng lại đổ nghiêng tuần tự đúng như buổi sáng.

Đồng hồ đá được nghiên cứu xây dựng và ứng dụng theo đường chiếu ánh sáng của mặt trời, do vậy chỉ có thể ứng dụng vào ban ngày. Khu vực xây dựng đồng hồ đá trước đây là Dinh Tham biện. Bấy giờ, các ông thông, ông phán, ông huyện vào dinh trình giấy tờ đều ghé qua chỗ đồng hồ đá để canh giờ, lấy đó làm chuẩn để chỉnh dây cót cho chiếc đồng hồ tây ở nhà.

Hiện tại, đồng hồ đá không còn giá trị ứng dụng như khi mới ra đời vì thời nay, việc sở hữu một chiếc đồng hồ đeo tay nhỏ gọn hoặc chiếc điện thoại di động có chức năng báo giờ chẳng khó khăn gì. Nhưng đồng hồ đá vẫn báo giờ rất chuẩn, có giá trị ghi danh một tài năng – trí tuệ Việt Nam đáng ngưỡng mộ một thời.

Đáng tiếc là chiếc đồng hồ đá độc đáo có một không hai như vậy lại nằm im lìm, khuất sâu trong Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bạc Liêu mà không có bảng chỉ dẫn lối vào di tích, ngay cả lối đi cũng chưa hình thành và thiếu hẳn một bảng giới thiệu xứng tầm, để du khách biết đường tìm đến và thưởng lãm.

Theo Dân trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *