Bên bờ hạnh phúc

Trước diễn biến dịch cúm A/H1N1 ngày càng phức tạp, Việt Nam đã có ca tử vong, ngày 07/8, Sở Y tế TP.HCM đã kết hợp với Sở Thông tin Truyền thông tổ chức họp báo về vấn đề này.

TP.HCM vẫn đủ sinh phẩm làm xét nghiệm

Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện nay vẫn còn đủ sinh phẩm để đáp ứng làm xét nghiệm cúm A/H1N1 bằng phương pháp phân tử ( PCR).

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị một lượng lớn sinh phẩm nữa để phục vụ cho việc làm xét nghiệm đối với cúm A/H1N1.

“Đến một giai đoạn nào đó, số ca bệnh bùng phát, những đối tượng nghi nhiễm cúm sẽ không cần phải làm xét nghiệm nữa. Bất cứ trường hợp nào có triệu chứng ho, sốt… mà ở trong ổ dịch đều được coi là nhiễm cúm A/H1N1 và được cách ly điều trị theo phác đồ dành cho căn bệnh này”, bác sĩ Châu nói.

Hiện nay, Bộ Y tế chỉ công nhận 4 đơn vị được làm xét nghiệm cúm A/H1N1 bằng phương pháp PCR tại TP.HCM là Viện Pasteur, Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 và Bệnh Nhiệt Đới.

TP.HCM vẫn đủ sinh phẩm làm xét nghiệm. Thanh Huyền

“Xét nghiệm cúm A/H1N1 bằng PCR là một phương pháp hiện đại, đòi hỏi kỹ thuật cao và sinh phẩm riêng. Không phải bệnh viện nào cũng làm được việc này, nếu muốn làm cũng phải được Bộ Y tế cho phép. Sắp tới Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cũng đang được Sở đề xuất với Bộ Y tế cho phép là đơn vị được làm xét nghiệm cúm A/H1N1”, bác sĩ Châu nhận định.

Ngành y tế TP.HCM khẳng định lượng thuốc tamiflu còn tương đối nhiều, 30.000 viên tamiflu dự phòng vẫn chưa sử dụng đến. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang có kế hoạch chuẩn bị thêm vài chục triệu liều tamiflu cho việc điều trị bệnh cúm A/H1N1.

Người nhiễm cúm A/H1N1 thông thường chỉ cần điều trị 5 ngày theo phác đồ đã có thể xuất viện. “Qua quá trình chữa trị cho gần 700 bệnh nhân cúm, đa số các bệnh nhân chỉ sau 2 ngày là hết sốt, 3 ngày làm xét nghiệm đã âm tính với virus cúm A/H1N1”, bác sĩ Châu nói.

Khẩu trang nào cũng có ý nghĩa phòng cúm

Theo bác sĩ Châu, khẩu trang N95 có tác dụng ngăn ngừa được 95% virus cúm A/H1N1, khẩu trang y tế các lỗ không khít bằng nên ngăn ngừa virus ít hơn. Riêng khẩu trang vải thông thường các lỗ vải rất thưa nên chỉ hạn chế được những giọt dịch tiết lớn. Tuy nhiên, khẩu trang nào cũng có ý nghĩa riêng trong việc phòng, chống lây nhiễm cúm.

Đến nay, Bộ Y tế chưa hề có chủ trương khuyến cáo toàn dân phải mang khẩu trang. Việc khẩu trang trở nên khan hiếm, giá tăng mạnh hoàn toàn do tâm lý người dân lo lắng. Nhiều người đã tích trữ khẩu trang dù chưa chắc đã dùng đến gây sự biến động về mặt cung ứng.

“Chỉ những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cúm A/H1N1 cao như nhân viên y tế, người sống trong ổ dịch, tiếp xúc gần với người mắc bệnh, những người nhiễm bệnh mới cần đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân và tránh lây lan cho người xung quanh”, bác sĩ Châu nhấn mạnh.

Học sinh tựu trường không cần đo thân nhiệt

Rất nhiều trường hợp là người lành mang bệnh nên không có triệu chứng sốt. Chính vì vậy các học sinh không cần phải đo thân nhiệt trước ngày khai giảng.

Đặc biệt, ngành y tế chỉ yêu cầu đóng cửa lớp học có học sinh nhiễm cúm. Trường hợp nhiều ca bị lây lan thì mới xem xét có nên đóng cửa trường học hay không.

“Mục tiêu của chúng ta là dập dịch, tuy nhiên cố gắng không gây xáo trộn cho sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động của xã hội. Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là các học sinh bắt đầu năm học mới. Nhà trường phải tiến hành sát khuẩn môi trường trước ngày học sinh tới lớp, làm liên tục sau đó 1 tuần. Toàn bộ hóa chất sát khuẩn tại trường học sẽ được Sở Y tế cung cấp”, bác sĩ Châu nói.

Theo Thanh Huyền (VietNamNet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *