Bên bờ hạnh phúc

Quốc hội đã bế mạc sau gần một tháng làm việc khẩn trương, sôi nổi.

Sáng 18-6 với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 luật quan trọng, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa; Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai và Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Trước đó, Quốc hội đã nghe một số ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo các luật này. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và cho ý kiến 6 dự án luật khác để tiếp tục chuẩn bị, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau. Đáng chú ý, với tinh thần tiếp tục đổi mới, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chuẩn bị và báo cáo với Quốc hội tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 4 đến nay; Quốc hội nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày báo cáo tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.

Cùng với công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội đã đẩy mạnh hoạt động giám sát trong đó có nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân, đến môi trường và chất lượng cuộc sống là “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm”. Thông qua giám sát, Quốc hội đã chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, khách quan của tình hình này và ban hành Nghị quyết về tăng cường quản lý và thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật an toàn thực phẩm; sửa đổi, bổ sung ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để điều chỉnh toàn diện, đồng bộ và thống nhất các vấn đề về quản lý chất lượng, vệ sinh ATTP. Cũng theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ phải xây dựng chiến lược quốc gia bảo đảm vệ sinh, ATTP từ năm 2011 đến năm 2020 cũng như có lộ trình và giải pháp cần thiết để giải quyết dứt điểm các tồn đọng trong lĩnh vực này. Trong lĩnh vực giáo dục, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính giáo dục từ năm học 2010 – 2011 đến năm học 2014 – 2015 nhằm huy động ngày càng tăng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nhà nước và xã hội để nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và bảo đảm công bằng trong giáo dục – đào tạo. Theo yêu cầu của Nghị quyết, tổng học phí của các cơ sở đào tạo công lập chiếm không quá 40% tổng chi thường xuyên; thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên là con của người có công với nước, các đối tượng chính sách; giảm 50% học phí cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề; học sinh, sinh viên hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay tiền tại ngân hàng chính sách xã hội để học… Chính sách học phí mới này được thực hiện từ năm học 2010 – 2011. Riêng năm học 2009 – 2010, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, chưa ra khỏi suy giảm kinh tế, việc điều chỉnh tăng trần học phí tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đại học công lập chỉ thực hiện ở mức thấp.

Trước lễ bế mạc, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu kinh tế, ngân sách nhà nước, phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ năm 2009 và miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể, Quốc hội quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2009 khoảng 5%; chỉ số giá tiêu dùng dưới 10%; chỉ tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu 3%, mức bội chi NSNN không quá 7% GDP. Cũng theo điều chỉnh mới, Quốc hội quyết định miễn toàn bộ số thuế thu nhập cá nhân từ tháng 1-2009 đến hết tháng 6-2009 đã giãn cho các đối tượng và tiếp tục miễn thuế thu nhập cá nhân từ 1-7-2009 đến hết năm này đối với thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, từ bản quyền, nhượng quyền thương mại. Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, công trình giao thông…, Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành bổ sung 20.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ. Phương án phân bổ nguồn vốn bổ sung này phải được báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi quyết định.

Giữ nguyên án tử hình với tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy

Theo Nghị quyết về việc thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự vừa được Quốc hội thông qua hôm 19-6, kể từ ngày luật này được công bố, không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm các tội quy định tại khoản 3 Điều 111, khoản 4 Điều 139, khoản 4 Điều 153, khoản 3 Điều 180, khoản 4 Điều 197, khoản 3 Điều 221, khoản 4 Điều 289 và khoản 4 Điều 334 của Bộ luật Hình sự. Hình phạt tử hình đã tuyên đối với những người được nêu tại điểm này nhưng chưa thi hành thì không thi hành và chánh án TAND tối cao chuyển hình phạt từ tử hình xuống hình phạt tù chung thân. Riêng tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy quy định tại khoản 4 Điều 194 đã không được Quốc hội thông qua và yêu cầu được giữ như quy định của BLHS hiện hành.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng quyết định không xử lý hình sự đối với người thực hiện một trong các hành vi: sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 199); ở lại nước ngoài trái phép (Điều 274); các hành vi xâm phạm quyền tác giả (Điều 131); các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 171), trừ hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Theo Hải Triều – Hoàng Lưu (CATP)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *