Bên bờ hạnh phúc

VN từng có động đất mạnh 6,8 độ Richter

 
Theo Trung tâm Báo tin động đất và sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu), động đất mạnh và sóng thần không phải là “chuyện ở nước ngoài”. VN đã có hai trận động đất đạt tới 6,7-6,8 độ Richter xảy ra ở phía Bắc vào các năm 1935 và 1983.
 
Xét về độ mạnh, chúng có thể sánh ngang với trận động đất cướp đi tính mạng của 6.434 người ở Kobe – Nhật Bản. Ngày 8-11-2005, ngoài khơi Nam Trung Bộ cũng xuất hiện hai trận động đất liên tiếp (khoảng 5,5 độ Richter) làm rung chuyển các tòa nhà ở TPHCM và bật tung nhà cửa người dân ở đảo Phú Quý-Bình Thuận.
 
Riêng về sóng thần, theo một số báo cáo, từng xảy ra ở Thừa Thiên-Huế làm chết 724 người, tàn phá 22.027 ngôi nhà vào năm 1904.
Năm 2007, Hà Nội đã xảy ra chấn động mạnh cấp 3-4 do ảnh hưởng của động đất 6,1 độ Richter tại khu vực phía Bắc Lào. Ảnh: THẾ DŨNG
  
Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết đã xác định được những nơi có nguy cơ động đất cao, gồm: vùng núi phía Tây Bắc – Bắc Bộ, vùng thung lũng sông Cả (Nghệ An) và vùng biển ngoài khơi khu vực Nam Trung Bộ. Riêng đối với sóng thần, việc phân vùng vẫn chưa được chi tiết.
 
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Vật lý Địa cầu, vùng bờ biển VN có nhiều khả năng phải chịu sự tác động chủ yếu từ các vùng nguồn sóng thần nằm bên trong khu vực biển Đông. Trong đó, vùng nguồn máng biển Manila Bắc () được coi là vùng nguồn nguy hiểm nhất cho VN. Kết quả tính thời gian lan truyền sóng thần cho thấy sau khi phát sinh trên vùng nguồn này, sóng thần chỉ mất khoảng 2 giờ để ập vào bờ biển miền Trung VN.
 
Thiếu kịch bản về sóng thần
 
Nước ta có 620 phường, xã nằm ven biển. Đây là “miếng mồi” của sóng thần. Hiện đã có 25 kịch bản về sóng thần có khả năng xảy ra ở VN và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào ứng dụng tại các tỉnh ven biển.
 
Trong trường hợp có động đất, căn cứ vào thông số ghi nhận được, có thể dựa trên kịch bản có thông số tương tự để dự báo mức độ ảnh hưởng của sóng thần tới mỗi địa phương. Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, 25 kịch bản này so với thế giới vẫn còn quá ít, Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) đang đề nghị tiếp tục bổ sung.
 
Theo quy chế của Thủ tướng Chính phủ về báo tin động đất và cảnh báo sóng thần và quy chế của Chính phủ về phòng chống động đất và sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu là đơn vị duy nhất được cung cấp tin động đất, sóng thần. “Sau khi tin phát trên đài – tivi, lãnh  đạo địa phương phải chủ động ứng phó, di dời dân vì sóng thần tấn công vào đất liền chỉ trong 2 giờ”- Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo.
 
Nhiều đại biểu ở các tỉnh, thành nêu vấn đề: Nếu động đất, sóng thần xảy ra trong khoảng thời gian từng 0 giờ đến 5 giờ, lúc đó rất ít người xem tivi, nghe đài thì sao? Phương án nhà mạng nhắn tin động đất, sóng thần qua điện thoại được nhiều đại biểu tán thành. Tuy nhiên, đại diện Bộ Thông tin – Truyền thông cho biết sẽ gặp trục trặc về kỹ thuật do hiện nay VN có trên 100 triệu thuê bao, không thể cùng lúc nhắn tin hết được.
 
Bộ NN-PTNT cho biết đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng “Đề án lập quy hoạch và xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho các vùng có nguy cơ cao”. Đây cũng là một kênh truyền tin nhanh nhưng công trình này phải còn rất lâu nữa mới hoàn thành.
Theo Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *