Bên bờ hạnh phúc

Người đàn bà đặc chất quê cứ thấp thỏm ngóng về phía vành móng ngựa, nơi Hà Thị Ngô và một cô gái khác đang cúi đầu run rẩy. Chốc chốc bà lại xuýt xoa, lại rên rỉ mỗi khi Ngô tìm cách tránh né câu hỏi của toà.

“Đến nước này mà còn như thế hả con ơi…”, bà buột miệng thốt lên rồi quay sang bên cạnh bấu chặt áo người phụ nữ trẻ như cố ghìm cơn xúc động.

Giọng đầy đau khổ, bà nói mình là mẹ của Ngô, một trong hai bị cáo trong vụ án này. Biết tin con bị đưa ra xét xử, bà mất ăn mất ngủ cả tuần lễ, hối các anh chị Ngô phải chuẩn bị trước mấy ngày để đưa bà từ Dăk Lăk xuống thành phố dự phiên toà của con gái mình. Bà cho biết Ngô từng là niềm tự hào của gia đình vì cô là cô gái đầu tiên của bản người Mường đậu vào một trường đại học danh giá tại TP.HCM.

“Cha nó mất sớm, cả gia đình dồn hết tình thương và sức lực để lo cho nó ăn học thành người. Học xong phổ thông, nó một mình xách balô vào Sài Gòn thi đại học và đậu vào trường Kiến trúc. Tưởng con sẽ có ngày bái tổ vinh quy, ai ngờ lại ra nông nỗi này…”. Chỉ nói được đến đó, bà lại khóc ngất trong vòng tay người thân.

Vấp ngã

Theo cáo trạng, tháng 3.2009, trong những lần lang thang trên mạng internet, Ngô quen biết với một người Nigeria tên John. Sau vài lần trò chuyện, người này giới thiệu là thương nhân đang sống tại TP.HCM và ngỏ lời mời cô sinh viên năm cuối về làm việc trong công ty xuất khẩu quần áo của mình. Tiếp đó, John lại nhờ Ngô sang Singapore vận chuyển hàng mẫu về Việt Nam. Tuy nhiên, do có tranh chấp về hàng hoá, Ngô và các đối tượng da đen sống ở Việt Nam xảy ra mâu thuẫn. Lúc này, một người đàn ông tên Kelvin đã đứng ra bênh vực Ngô nên cô sinh viên vô cùng cảm kích.

Đến tháng 7.2009, Kelvin nhờ Ngô sang Ấn Độ vận chuyển một số hàng mẫu là quần áo và vòng vàng trang sức bằng đá về Việt Nam với tiền công 500 USD, người này sẽ lo các thủ tục thị thực và vé máy bay. Đến nơi, cô sinh viên được một người Nigeria khác đưa đi chơi và mua sắm, trong đó có một quyển sách bìa cứng viết bằng tiếng Anh. Về đến chỗ ở, gã đàn ông kia mượn quyển sách và trả lại vài ngày sau đó. Thấy cuốn sách có vẻ nặng hơn, Ngô biết trong đó có ma tuý nhưng vẫn mang về Việt Nam giao cho Kelvin. Kiểm tra xong, Kelvin đưa trước 200 USD và dặn cô giữ lại quyển sách, khi nào cần hắn sẽ lấy và đưa nốt 300 USD còn lại. Từ đó, ngày nào Ngô cũng để quyển sách trong balô mang theo người.

Gần một tháng sau, Kelvin nhờ Ngô làm thủ tục cho người yêu của mình là Nguyễn Thị Phước (hướng dẫn viên du lịch tại Đà Nẵng) đi Trung Quốc nhận giúp một số hàng mẫu cho công ty. Ngày 17.8.2009, trên đường Ngô chở Phước ra sân bay, Kelvin đuổi theo đưa cho Phước một đôi dép bảo mang vào chân và đưa thêm cho người tình 200 USD làm lộ phí.

Khoảng 9 giờ tối cùng ngày, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt quả tang trong đôi dép Phước đang đi có giấu 146g heroin. Tại cơ quan điều tra, nữ hướng dẫn viên du lịch khai nhận chính Hà Thị Ngô là người đã đưa cho mình đôi dép này để mang sang Trung Quốc. Ngay lập tức, công an đã ập đến ký túc xá trường đại học Kiến trúc tại phòng K10, lầu 1, cư xá Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận) bắt giữ Ngô. Khám xét nơi ở của cô nữ sinh, cơ quan chức năng thu giữ hơn 150 gam heroin được giấu trong cuốn sách bìa cứng mà Kelvin chưa kịp lấy lại. Ngô và Phước bị truy tố về tội “vận chuyển trái phép chất ma tuý”. Riêng những đối tượng người Nigeria đã nhanh chân trốn thoát.

Nỗi ân hận muộn màng

Ngô nhỏ thó, lọt thỏm trong chiếc áo sơ mi rộng thùng thình. Dù mái tóc xác xơ đã phủ kín gương mặt luôn cúi gằm, nhưng “cựu” nữ sinh trường Kiến trúc luôn lấy tay che mặt, giấu cảm xúc. Chưa một lần nhìn thẳng hội đồng xét xử, Ngô khổ sở cho biết mình là nạn nhân của một trò lừa phỉnh. Để đến khi rơi vào cái bẫy bọn người Nigeria cố tình giăng ra, cô đã phải chấp nhận vận chuyển ma tuý cho chúng một cách bất khả kháng.

Bảo vệ cho thân chủ, luật sư của Ngô cũng cố thuyết phục những người cầm cân nảy mực rằng cô là người đáng thương hơn đáng trách. Theo vị này, Ngô dễ dàng nhận lời sang Singapore lấy hàng mẫu theo đề nghị của John là vì mong muốn được đi du lịch để tìm hiểu những nền văn hoá mới. Tuy nhiên, khi phát hiện mục đích của nhóm tội phạm gốc Phi, cô đã từ chối xách hàng mẫu có ma tuý về Việt Nam. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến những người này đánh đập, tra tấn, hăm doạ. Trong lúc hoảng loạn, bế tắc, Kelvin là người đã đứng ra bênh vực, bảo vệ Ngô khiến cô khâm phục mà làm theo yêu cầu của hắn. Cô không biết mình đã rơi vào cái bẫy “anh hùng cứu mỹ nhân” mà bọn chúng giăng sẵn.

Tương tự “đồng nghiệp”, Nguyễn Thị Phước đã vật vã trước vành móng ngựa bởi cho rằng mình là nạn nhân của một cú “bẫy tình”. Phước quả quyết mình vì yêu Kelvin, tin tưởng vào “chồng sắp cưới” nên mới làm theo đề nghị của gã chứ hoàn toàn không biết trong đôi dép có ma tuý.

Tuy nhiên, theo viện Kiểm sát, cả Ngô và Phước là người có trình độ, có nhận thức pháp luật cao và ý thức rõ hành vi phạm tội. Mọi chứng cứ đều chứng minh các bị cáo vì tiền mà bất chấp tất cả.

Hôm đó, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Ngô mức án 20 năm tù, còn Phước cũng phải nhận 18 năm tù cùng về tội “vận chuyển trái phép chất ma tuý”.

Bỏ lại tiếng khóc gào của người mẹ sau lưng, Ngô khó nhọc bước lên xe về trại. Bản án 20 năm tù rồi cũng trả xong, nhưng liệu Ngô có thể trả được những ân tình ruột thịt chỉ sau một lần trót nhúng chàm, đốt cháy tương lai?

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *