Bên bờ hạnh phúc

Giữa tháng 10 này, Bảo tàng Lịch sử & Cách mạng TT-Huế đã tiếp nhận một bộ mộc bản dân gian mà theo đánh giá của các nhà chuyên môn là “đầy đủ và quý hiếm vào loại bậc nhất từ trước tới nay”.

Trong chuyến đi điền dã chụp ảnh các chùa tại Huế để bổ sung hình ảnh cho cuốn sách “Nhà vườn xứ Huế”, ngày 22/7/2009, nhóm nghiên cứu của Phân viện nghiên cứu văn hóa tại Huế đã phát hiện ra một bộ mộc bản gồm 54 tấm. “Báu vật” này đã bị lãng quên hàng chục năm trong nội điện chùa Thiên Hòa, thôn Hạ 1, xã Thủy Xuân, TT-Huế.

Những con chữ quý giá, có cả chữ Hán và chữ Việt phiên âm

Theo anh Nguyễn Phước Bảo Đàn, trưởng phòng nghiên cứu Phân viện nghiên cứu văn hóa tại Huế: “Bộ mộc bản này được hình thành từ đầu thế kỷ 20, kéo dài cho đến sau năm 1945. Điều quan trọng nhất không phải là thời gian dài hay ngắn mà chính là nội dung của nó. Gần như toàn bộ tín ngưỡng cư dân Huế xưa kia đã được miêu tả đầy đủ trên bản khắc. Đã có nhiều lần phân viện sưu tầm một vài mộc bản. Nhưng lần này cơ duyên đã tới. Toàn bộ mộc bản nằm trong một ngôi chùa tại Huế”.

Tất cả các hoạt động tâm linh của con người từ lúc sống đến khi qua đời được khắc qua các bài văn cúng: Cúng đất, cúng sao giải hạn, Vu Lan, cúng bổn mạng, cúng súc vật nuôi, cúng cô bà; các loại sớ (cầu an) như sớ bà cô, sớ đám, sớ hội đồng, sớ cầu siêu và điệp (cầu vong linh)… được lưu giữ trên các tấm gỗ mốc meo nhưng vẫn còn gần như nguyên vẹn nét khắc nổi.

Với lối khắc ngược rất khó, mà hiện tại không còn nghệ nhân nào ở Huế có thể đảm trách, 54 tấm mộc bản đã thể hiện tài “nhất nghệ tinh” của nhiều bậc thầy Huế xưa cách đây gần 1 thế kỷ. Trên đó, nét chạm khắc chủ yếu là chữ Hán Nôm. Riêng có một số bản được khắc chữ Quốc ngữ đặc trưng cho thời gian sau này.

Độc đáo và cuốn hút giới chuyên môn là các tấm bùa trừ tà ma, tờ cúng khí dụng treo giàn bếp, các con vật hay ăn thịt gia súc như hổ, beo và bản khắc “con ảnh” với ý nghĩa thế mạng người nhà tránh các tai ương trong cuộc sống.

Anh Đàn cho biết, chùa Thiên Hòa khi xưa là một trung tâm lớn về sản xuất sớ điệp 100% theo thủ công.

Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng TT-Huế, cho rằng: “Hiện tại các nghệ nhân ở Huế đã qua đời nên không còn ai còn khắc được những tấm mộc bản giống thế này nữa. Mộc bản là cơ sở cho các nhà văn hóa dân gian hiểu tường tận về tín ngưỡng dân gian Huế hơn bao giờ hết”.

Được biết sắp tới, bảo tàng sẽ cho in ra bằng phương pháp thủ công hệ thống 54 bản vẽ bằng giấy từ bộ mộc bản trên. Sau đó sẽ làm một cuộc triển lãm riêng về văn hóa tín ngưỡng dân gian Huế nhằm đưa đến những công bố mới nhất đầy lý thú về mộc bản dân gian Huế.

Theo Dân trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *