Bên bờ hạnh phúc

Sáng 26/11, tại cuộc đối thoại phòng chống tham nhũng, Bộ Y tế thừa nhận có hiện tượng một số nhân viên y tế vòi vĩnh, nhũng nhiễu để nhận phong bì; kê đơn nhiều loại tân dược đắt tiền nhằm được hưởng hoa hồng…

Chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung cho biết, những tiêu cực nêu trên tuy không phải là phổ biến nhưng là thực tế đang tồn tại tại một số ít cơ sở y tế, cũng như với một số cán bộ trong ngành.

Tại cuộc đối thoại phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế của Chính phủ với các nhà tài trợ quốc tế tổ chức ở Hà Nội sáng 26/11, Bộ Y tế cũng thừa nhận một số cơ sở khám chữa bệnh chưa thực hiện đúng các chế độ thanh toán chi phí điều trị bảo hiểm, có hiện tượng lợi dụng chính sách miễn giảm viện phí cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi… để chi sai chế độ. Việc cán bộ, nhân viên y tế lấy thuốc, vật tư của nhà nước đem bán lấy tiền chia nhau cũng đã xảy ra.

Người bệnh loay hoay trước "ma trận" tân dược. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Theo ông Trung, Bộ Y tế phát hiện có hiện tượng một số ít thầy thuốc có biểu hiện lợi dụng nghề nghiệp kê đơn thuốc với nhiều loại tân dược đắt tiền nhằm hưởng hoa hồng hoặc nhận quà của các cơ sở kinh doanh dược phẩm…Trước tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện trung ương khi bệnh nhân đổ dồn về khám chữa bệnh, có nhân viên y tế lợi dụng chức vụ quyền hạn đã vòi vĩnh, nhũng nhiễu để nhận tiền lót tay của người bệnh.

Dư luận cũng đang bức xúc trước việc tình trạng cán bộ bệnh viện nhà nước móc nối đưa bệnh nhân từ bệnh viện công sang các bệnh viện và phòng khám tư; lạm dụng các xét nghiệm trong chuẩn đoán… gây ảnh hưởng đến sức khỏe, khó khăn và lãng phí tiền bạc của người bệnh.

Để xảy ra tình trạng trên, Bộ Y tế cho rằng một phần nguyên nhân do một số cán bộ, viên chức có biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức, chạy theo đồng tiền, chỉ chăm lo quyền lợi cá nhân… Nhận thức đấu chống tham nhũng, tiêu cực tại một số lãnh đạo cơ sở y tế chưa đầy đủ, có biểu hiện của bệnh chạy theo thành tích.

Ông Rolf Bergman (Đại sứ Thụy Điển) nhìn nhận, tham nhũng trong y tế là vấn đề đặc biệt "trầm trọng". "Nó đánh gục họ khi ở những thời điểm dễ tổn thương nhất. Giữa cái sống và cái chết, giữa vấn đề sức khỏe và ốm đau, người ta không còn có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải trả tiền".

Còn tiến sĩ Thaveeporn Vasavakul trong bài tham luận phân tích: "Đưa phong bì là để đút lót hay để trả ơn? Một người sẽ lấy lý do mức lương trong ngành y tế thấp, một bên sẽ cho rằng đó là chỉ hình thức tặng quà. Trong cả hai trường hợp người tặng và người nhận sẽ hiểu nghĩa như một cuộc trao đổi".

Theo bà, ngoài việc bày tỏ sự cảm ơn, bệnh nhân còn có tính toán khác đó là họ kỳ vọng sẽ được dịch vụ với chất lượng tốt hơn, giảm bớt thời gian chờ đợi. Dẫn chứng tại Viện Nhi Trung ương, nghiên cứu của tiến sĩ Thaveeporn Vasavakul cho thấy "trung bình mỗi em phải đợi 300 phút để tới lượt khám trong khi thời gian tương tác với nhân viên y tế là 40 phút".

Mổ xẻ nguyên nhân dẫn tới tham nhũng trong y tế, ông Jaico Acuna Alfaro (Cố vấn chính sách, cải cách hành chính công và phòng chống tham nhũng của UNDP) cho rằng một phần là do có hiện tượng bác sĩ đi mua "ghế" tại bệnh viện, và họ hy vọng khi được vào làm sẽ thu lại được số tiền đã bỏ ra.

Với thực tiễn kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết (Giám đốc Bệnh viện Việt – Đức) đã làm "nóng" cuộc đối thoại bởi những tâm sự rất thật của người "trong cuộc".

"Những điều vừa nêu chỉ là hiện tượng rất nhỏ, không đại diện và không phải là phổ biến. Tôi không phủ nhận là không có tiêu cực, việc này nước nào cũng có. Đó là hiện tượng bất khả kháng", ông nêu quan điểm.

Người lãnh đạo bệnh viện ngoại khoa hàng đầu của VN khẳng định quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực đã luôn được ngành y tế quan tâm. Tại bệnh viện Việt – Đức do ông làm giám đốc luôn có đường dây nóng để người dân phản ánh bức xúc, đối thoại về thái độ phục vụ của y, bác sĩ.

Theo ông Tiến để chống tham nhũng cần thay đổi cơ chế quản lý, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và mở rộng tối đa dân chủ. Nhưng quan trọng và cấp thiết hơn cả là tạo môi trường lành mạnh cho y, bác sĩ làm việc.

"Đề nghị nhà nước nuôi cho người ta đủ sống; trả lương y, bác sĩ 6-7 triệu đồng một tháng; đồng thời kỷ luật thật nghiêm thì tham nhũng, tiêu cực sẽ tự động giảm", ông đề xuất.

Con số đưa ra tại cuộc đối thoại cho thấy, 65% số người được hỏi đã cho rằng tham nhũng là vấn đề lớn với họ và gia đình, 22% trả lời "không" và 13% cho rằng "khó nói".

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *