Bên bờ hạnh phúc

"Báo chí với những khả năng và thế mạnh của mình, phải là một trong những lực lượng quan trọng đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Hội Nhà báo VN ngày 12/8.

Sáng 12/8, hơn 400 đại biểu đại diện cho hơn 17.000 hội viên Hội Nhà báo VN đã tề tựu về Cung Văn hóa Việt – Xô dự Đại hội lần thứ 9. Nhiều nhà báo lão thành cũng có mặt như nhà báo Phan Quang, nhà báo Hữu Thọ…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đến dự đại hội cùng hàng trăm nhà báo qua các thời kỳ. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định, sau gần 25 năm đổi mới, báo chí đã có sự phát triển về nhiều mặt. Đến nay, chúng ta đã có hệ thống đầy đủ các loại hình: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Đội ngũ nhà báo lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong những thành tích chung của báo chí cả nước, có sự đóng góp tích cực của Hội Nhà báo, nhất là cố gắng tập hợp, đoàn kết, phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức Hội và những người làm báo.

Tuy nhiên, báo chí nước ta vẫn còn những thiếu sót, khuyết điểm như tình trạng một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, sa vào giật gân, câu khách, để lọt những thông tin sai sự thật, lộ bí mật quốc gia; đưa thông tin tiêu cực một chiều… Một số ít nhà báo còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh dự của giới báo chí.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao đóng góp của Hội Nhà báo trong sự phát triển của báo chí nước nhà. Ảnh: Nguyễn Hưng.

"Nhiệm vụ của đất nước ta trong giai đoạn tới là rất nặng nề. Báo chí với những khả năng và thế mạnh của mình, phải là một trong những lực lượng quan trọng đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chiều cùng ngày, đại hội đã bầu ra Ban chấp hành mới với 51 thành viên. Ông Đinh Thế Huynh tái đắc cử Chủ tịch Hội. Các Phó chủ tịch gồm: ông Tạ Ngọc Tấn, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; ông Hà Minh Huệ, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã VN; ông Phạm Quốc Toàn, Phó chủ tịch Hội Nhà báo khóa 8 tái cử; ông Mã Diệu Cương, Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM.

Trong bài phát biểu sau khi tái đắc cử, ông Đinh Thế Huynh đã đề cao vai trò của báo điện tử. "Trong xu thế toàn cầu hóa về thông tin, báo chí không còn đơn nhất một loại hình mà đã trở thành báo chí đa phương tiện. Báo điện tử có lợi thế đưa tin nhanh, kịp thời và sức lan truyền rộng", ông Huynh nói.

Tuy nhiên, loại hình này cũng có nhược điểm là tạo ra tình trạng sao chép lẫn nhau, khiến thông tin trở nên nhàm chán. Theo ông Huynh, cần tổ chức các mô hình cơ quan báo chí hợp lý để phát huy mọi năng lực, sở trường của người làm báo, nhất là những người làm báo trẻ. Vận dụng ngay những loại hình truyền thông mới xuất hiện như blog, mạng xã hội, truyền hình Internet vào tác nghiệp của nhà báo.

Một vấn đề bức xúc trong thời gian qua cũng được Chủ tịch Hội nhà báo nhắc đến là tình trạng nhà báo bị cản trở khi hành nghề, thậm chí nhiều đồng nghiệp bị hành hung, bị xúc phạm về danh dự và thân thể. Theo ông, để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ cần giải pháp đồng bộ, cần phải có hệ thống thu thập thông tin nóng về những vụ nhà báo bị hành hung, bị cản trở, phản ánh thông tin nhanh và chính xác trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo thành áp lực dư luận để các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan công quyền nghiêm túc vào cuộc, xử lý.

Thay mặt Hội Nhà báo, ông Đinh Thế Huynh cũng kiến nghị pháp luật cần thừa nhận quá trình tác nghiệp của nhà báo là quá trình thi hành công vụ. Cản trở nhà báo hành nghề hợp pháp là hành vi cản trở người thi hành công vụ.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *