Bên bờ hạnh phúc
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm trong cuộc họp báo hôm qua. Ảnh: H.N.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm trong cuộc họp báo hôm qua. Ảnh: H.N.

Các bộ trưởng tham gia diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) hôm nay tỏ rõ mối quan ngại sâu sắc về vụ tàu hải quân Cheonan của Hàn Quốc chìm hôm 26/3 và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế.

"Chúng tôi ủng hộ tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề này và ủng hộ một bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định, không có vũ khí hạt nhân và mong đàm phán 6 bên sớm trở lại", Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm cho biết trong cuộc họp báo tổng kết 5 ngày diễn ra hội nghị bộ trưởng ASEAN và các hội nghị liên quan hôm qua.

Ông cũng thêm rằng các đại biểu tham gia ARF cũng chia sẻ mất mát về người và tài sản trong vụ tàu chìm.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang sau khi tàu hải quân Cheonan của Hàn Quốc bị chìm ở biển Hoàng hải. Mỹ và Hàn Quốc buộc tội Triều Tiên đánh chìm tàu khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng bác bỏ mọi liên quan. Trong khi đó, Hội đồng Bảo an hôm 10/7 ra tuyên bố lên án vụ chìm tàu song không chỉ trích đích danh Triều Tiên.

Cũng trong cuộc họp hôm qua, các bộ trưởng ARF nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông, khẳng định ủng hộ việc triển khai hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC), hướng tới mục tiêu xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong tương lai; tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp trên tinh thần của Tuyên bố DOC và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Về tình hình Myanmar, các nước bày tỏ mong muốn cuộc bầu cử sẽ diễn ra tự do, công bằng, với sự tham gia của các đảng phái; tạo điều kiện để Myanmar có thể ổn định đất nước và tập trung phát triển. Các nước khẳng định sẽ phối hợp với Myanmar trên tinh thần tích cực và xây dựng, ủng hộ Myanmar tiếp tục hợp tác với ASEAN và Liên Hợp Quốc trong tiến trình hòa giải dân tộc và phát triển đất nước.

Các nước tham gia ARF bày tỏ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN; hoan nghênh các nỗ lực của ASEAN thúc đẩy sự tham gia gắn kết của các đối tác vào các tiến trình hợp tác khu vực, trong đó có việc thu xếp sẽ mời Nga và Mỹ tham gia Cấp cao Đông Á với điều kiện và thời điểm thích hợp. Các bộ trưởng cũng hoanh nghênh việc ASEAN tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng lần đầu tiên với 8 đối tác trong năm 2010, nhấn mạnh tầm quan trọng của ADMM+ như một cơ chế bổ trợ tích cực cho ARF.

Về hướng tương lai của tiến trình ARF, các bộ trưởng nhấn mạnh ARF cần tiếp tục giữ vững vai trò là diễn đàn chủ đạo đối thoại về các vấn đề chính trị và an ninh khu vực với ASEAN ở vị trí trung tâm, đồng thời, tiếp tục là một bộ phận quan trọng trong quá trình hình thành cấu trúc khu vực. Các bộ trưởng khẳng định để tăng cường sức sống và giá trị của diễn đàn, ARF cần tập trung hướng mạnh vào hành động, ứng phó hữu hiệu hơn với các thách thức, nhất là các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh hàng hải…

Các bộ trưởng đã nhất trí thông qua Chương trình hành động Hà Nội nhằm thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ARF với các mục tiêu và biện pháp cụ thể hướng tới xây dựng một khu vực ARF hòa bình, ổn định và thịnh vượng vào năm 2020.

ARF là diễn đàn về an ninh quan trọng bậc nhất ở châu Á, cho phép các thành viên thảo luận về các vấn đề chính trị và an ninh, đề ra các biện pháp hợp tác nhằm duy trì hòa bình và ổn định khu vực. ARF được thành lập năm 1994, hiện gồm các thành viên: Australia, Bangladesh, Brunei, Campuchia, Canada, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Myanmar, Mông Cổ, New Zealand, Pakistan, Papua New Guinea, Philippines, Nga, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, ĐôngTimor, Mỹ và Việt Nam.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *