Bên bờ hạnh phúc

Với một niềm đam mê rất “độc”, hơn 10 năm nay, chị Nguyễn Thị Minh Hiếu xuôi ngược khắp nơi để mang về vườn nhà hơn 1.000 chiếc cối đá. Cối đá là cuộc sống của chị và hơn thế, mỗi chiếc cối đá lại ẩn chứa triết lý cuộc sống đầy tính nhân văn.

Khởi nguồn đam mê từ ký ức tuổi thơ

Chị Nguyễn Thị Minh Hiếu bên vườn cối đá 1000 chiếc sưu tầm được trong khoảng thời gian hơn 10 năm nay

Chị Nguyễn Thị Minh Hiếu sinh năm 1977, quê gốc ở Diên Lạc, Diên Khánh, Khánh Hòa; hiện trú tại thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, Khánh Hòa. Vùng Diên Khánh quê chị từng được biết đến là một vùng đất trù phú với nghề làm bánh ướt, bún… và chiếc cối xay là vật dụng thiết yếu đối với nhiều gia đình.

Chị Hiếu tâm sự: “Thời ấu thơ, nhà tôi cũng như nhiều nhà khác ở Diên Lạc, cũng có vài chiếc cối đá để bà, mẹ xay bột làm bánh, làm đậu hũ. Ngày nào tôi cũng nghịch đùa bên chiếc cối đá. Những lần muốn đo chiều cao với các anh trong nhà, tôi toàn đứng lên một chiếc cối, và thế là tôi cao hơn. Cối đá từ đó trở thành hình ảnh thân quen theo suốt cuộc đời tôi”.

Cuộc sống hiện đại, người ta dùng các loại máy xay thay cho cối đá. Hình ảnh cối đá vẫn ám ảnh tâm trí chị Hiếu. Cối đá dường như đã trở thành một phần cuộc sống của cô gái trẻ. Rồi một ngày kia, ý nghĩ nảy sinh trong đầu chị Hiếu: Sẽ sưu tầm cối đá!

Nói là làm, năm 21 tuổi, chị Hiếu bắt đầu “sự nghiệp” săn lùng cối đá. Những chiếc cối đầu tiên trong bộ sưu tập của chị là những chiếc cối đá nằm chỏng chơ trong xó bếp, góc vườn của bà nội.

Chị Hiếu kể: “Năm ấy tôi lập gia đình, bà nội nói tôi thích quà gì để bà tặng. Trong đầu tôi lúc đó vẫn giữ ý nghĩ về việc sẽ sưu tầm cối đá nên tôi chỉ nói bà nội là tặng cho tôi những chiếc cối đá đã không còn được sử dụng nữa. Tôi muốn giữ lại những chiếc cối đá để lưu dấu kỷ niệm một thời”.

Hơn 10 năm sưu tập cối đá, chị Hiếu đã khá thông thạo về đặc điểm của từng loại cối. Chị cho biết cối đá có 2 loại, cối có tai và cối không có tai. Cối có tai là những chiếc cối mà người thợ tài hoa đẽo ra được, còn cối không có tai thì làm dễ hơn. Cối làm bằng đá mài da mịn. Cối bằng đá granite thường có màu vàng nhạt, xám, xanh đen…

Trong vườn cối của chị, chiếc cối có đường kính lớn nhất (gần 1m) trước kia thường được dùng ở các gia đình chuyên làm bún, bánh tráng; chiếc nhỏ nhất có đường kính khoảng 10cm, do một gia đình khá giả đặt để xay bột cho em bé.

Thông thường, những chiếc cối không ghi năm tháng làm ra nên rất khó biết niên đại. Chị Hiếu có hai chiếc ghi niên đại: một chiếc năm 1938 và một chiếc ghi ngày 20/10/1986.

Cuộc săn lùng cối đá và đi tìm triết lý cuộc sống

Để có được 1.000 chiếc cối đá như ngày hôm nay, công việc sưu tầm của chị Hiếu không hề dễ dàng. Những ngày đầu, chị hỏi những nhà trong làng, xã quanh khu vực chị sống, nhưng số lượng vẫn còn khiêm tốn. Chị quyết tâm đi đến những vùng đất xa hơn để săn lùng cối đá.

Cuộc hành trình vì đam mê đã đưa chị Hiếu đến Phú Yên, Bình Định, Đà Nẵng… xa hơn là Cao Bằng, Long An. Đi đến đâu, chị cũng dò hỏi cối đá. May mắn là sau mỗi chuyến đi, chị đều có thêm những chiếc cối đá quý giá. Kết quả là sau hơn 10 năm miệt mài, đến nay vườn cối của chị đã có hơn 1.000 chiếc.

“Cũng có nhiều nhà không muốn cho mình cối vì họ cũng muốn giữ lại vật kỷ niệm, nhưng khi nghe mình nói về bộ sưu tập cối đá, họ nghe thấy thú vị quá nên vui vẻ cho mình. Đi dù xa đến đâu, nhưng có cối đá rủng rỉnh đem về vườn là bao mệt mỏi tan biến hết”, chị Hiếu tâm sự.

Đến bây giờ chị Hiếu vẫn còn nhớ như in lần đi xin cối đá ở Long An. Năm 2000, một cô bạn quê ở Long An ra nhà chị Hiếu chơi. Biết chị sưu tầm cối đá, cô bạn chợt nhớ ngày xưa làng mình có bà Bá hộ rất giàu có, có chiếc cối đá rất to, không biết bây giờ có còn không…

Nghe nói thế, “máu” sưu tầm nổi lên, chị Hiếu kéo ngay người bạn về Long An tìm bằng được chiếc cối ấy. May mắn, người cháu gọi bà Bá hộ bằng cố vẫn còn giữ chiếc cối. Chị Hiếu đem chuyện mình sưu tầm cối đá và hỏi xin cối về làm kỷ niệm, người này đồng ý ngay. Mừng quá, ngay hôm sau chị Hiếu đem chiếc cối đó từ Long An về Nha Trang vì sợ họ đổi ý.

Đối với chị Hiếu, cối đá không đơn giản là vật vô tri vô giác mà còn chứa đựng bao nhiêu triết lý tốt đẹp và tính nhân văn. Theo chị, mỗi chiếc cối đá còn có riêng một cuộc đời, một thân phận. Cối đá do đàn ông tạo ra nhưng người sử dụng chủ yếu là phụ nữ, biết bao tâm tư được gửi gắm trong vòng xoay ấy. Nếu phụ nữ khéo tay thì vòng quay của cối sẽ tròn và ăn đều, người phụ nữ cẩn trọng thì chiếc cối cũng luôn nguyên vẹn không sứt mẻ…

Chị Hiếu triết lý: “Cối đá có hai thớt, phải ăn khớp với nhau, nếu không công năng của nó sẽ không còn, cũng như trong cuộc sống gia đình vậy, phải thuận vợ thuận chồng mới làm nên chuyện. Thớt dưới là hình ảnh người phụ nữ, tôi nhìn thấy trong cối đá vẻ đẹp của lòng chung thủy, sự chịu đựng của người phụ nữ Việt Nam”.

Ngoài việc xếp chồng các chiếc cối lên nhau để tạ
o thành một vườn cối, chị Hiếu còn sắp xếp những chiếc cối đá thành tháp nước, lát trên lối đi, làm đường viền cho khu vườn… Nhiều nhất là những chiếc cối đá được sắp theo hình trụ, cái lớn đỡ cái nhỏ, như trong đời sống, con người thường nâng đỡ nhau.

Vườn cối đá của chị Hiếu ngày càng được nhiều người biết đến, không ít người đến gõ cửa xin vào chiêm ngưỡng, chụp ảnh kỷ niệm. Những lúc chị Hiếu đi làm vắng nhà, nhiều người đến chỉ nhìn qua hàng rào cũng đã thấy “đã con mắt”.

Bác Lê Văn Lâm (Vĩnh Ngọc, Nha Trang), một người rất thích bộ sưu tầm cối đá của chị Hiếu, nói: “Những ngày xa xưa, vùng làng quê Việt Nam ai không sử dụng đến chiếc cối đá giã gạo. Cối đá đã in sâu trong tiềm thức của bao thế hệ người Việt Nam chúng ta. Thật quý biết bao khi trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, có những lúc chiếc cối đá tưởng như đã trôi vào quên lãng, lại có một người giữ nó như một báu vật của cuộc sống đời thường”.

“Tôi quan tâm và sưu tầm cối đá, không chỉ ngợi ca về chiếc cối đá, mà tôi ngợi ca và biết ơn những người đã vất vả để làm ra được chiếc cối đá giã gạo ngày xưa. Chiếc cối đá Việt Nam đơn giản mà ý nghĩa, bình thường mà thật phi thường”, chị Hiếu tâm sự.

Theo Dân trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *