Bên bờ hạnh phúc

Một loại hoá chất đang được thương lái, nhà vườn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sử dụng như “thần dược” làm trái cây chín sớm, bất chấp mọi hậu quả.

Bà Hồng Cúc, ngụ phường 5, thành phố Mỹ Tho, mua hai trái sầu riêng Ri 6 ở một sạp trái cây ở chợ Mỹ Tho về đãi khách. Mở ra, cả hai trái các múi đều trắng tươi chứ không vàng mỡ gà như người bán giới thiệu. Nếm thử, cơm sầu riêng lạt nhách, chẳng có mùi vị gì.

Bà Cúc mang hai trái sầu riêng ra bắt đền, người bán lắc đầu từ chối: “Tui cũng mua đi bán lại, làm sao biết trong ruột ngon hay dở”. Bà Cúc nói, đây là lần thứ ba trong mùa trái cây năm nay bà mua phải sầu riêng kém chất lượng.

Lạm dụng thuốc

Lần theo những thông tin người tiêu dùng phản ánh tình trạng mua trái cây chín, thơm ngon, màu sắc bắt mắt nhưng không ăn được, chúng tôi về xứ vườn Tiền Giang, Vĩnh Long. Ông Nguyễn Đình Phục, chủ nhiệm hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang), cho biết: hiện nay khi trái cây có giá, nhiều nhà vườn, thương lái thường thu hoạch trái non, sau đó sử dụng hoá chất để xử lý cho trái chín sớm, bán ra thị trường. Theo ông Phục, trái sầu riêng từ khi rụng đài hoa đến khi chín cây mất từ 100 ngày đến 110 ngày. Nhưng nhà vườn, thương lái thường hái trái lúc 70 – 80 ngày tuổi rồi xử lý hoá chất cho trái chín.

Ông Phục nói: “Nếu chấm hoá chất vào cuống, sau 48 giờ trái sẽ thơm như chín thật. Nhưng nếu muốn chín nhanh để bán được giá tại thời điểm thị trường có giá cao, họ sẵn sàng nhúng nguyên trái sầu riêng vào thau hoá chất để trái chín tốc hành”. Chị Linh, chuyên bán sầu riêng ở xã Tam Bình (huyện Cai Lậy), cho biết thêm: “Sau khi chấm thuốc, trái sầu riêng vẫn rụng cuống giống như trái chín cây bình thường nên người mua không thể phân biệt được đâu là trái chín thật, đâu là trái chín ép”.

Không riêng gì trái sầu riêng mà hiện nay nhiều loại trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long đều được xử lý hoá chất để chín sớm. Ông Thành, chuyên buôn bán trái cây ở thị trấn Cái Bè (huyện Cái Bè), cho biết mãng cầu, chuối, mít, xoài, cam, quýt, bưởi, nho, chôm chôm, thanh long, sapôchê… thương lái đều sẵn sàng ngâm vào thuốc kích thích trái chín sớm. Ông Thành nói: “Hiện nay thương lái đều vào vườn mua chuối xanh mang về để xử lý. Nếu muốn chuối chín từ từ, họ treo ngược buồng chuối, thoa hoá chất vào vết cắt ở cuống của buồng chuối, sau hai ngày cả buồng sẽ chín vàng, rất đẹp. Nhưng muốn chín tốc hành, họ treo xuôi buồng chuối, sau 24 giờ là chín đều”.

Ở cù lao Bình Hoà Phước (Long Hồ, Vĩnh Long), ông Dũng, chủ vườn mận An Phước còn cho biết thương lái vào vườn mua tất tần tật mận non, mận già, hái xuống đổ đống phun thuốc, sau một đêm cả đống mận đều chín đỏ bắt mắt. Trong khi đó nhiều nhà nông ở xứ chuyên trồng rẫy Chợ Gạo cho biết lâu nay cà chua, ớt đều được thương lái xử lý bằng thuốc cho chín đều trước khi đem bán. Thậm chí ở xứ chuyên trồng sơri Gò Công, thương lái cũng hái trái xanh đổ đống trên bạt nilon phun thuốc sau đó trùm kín lại, sau một đêm tất cả đều chín đỏ.

Ép trái bằng phân bón lá

Trái cây sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật và các loại hoá chất cần phải có thời gian cách ly từ 7 – 10 ngày để đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng

Theo nhà vườn, loại thuốc làm trái chín sớm đang được bày bán tràn lan ở khắp các cửa hàng vật tư nông nghiệp, phổ biến nhất là nhãn hiệu HPC-97HXN Trái Chín của một xí nghiệp ở quận 12 TP.HCM. Ngoài nhãn hiệu này, thương lái còn sử dụng một loại hoá chất không rõ nguồn gốc được nhập lậu từ Trung Quốc, một ống nhỏ bằng ngón tay có giá 10.000 đồng, xử lý được 50 kg trái cây chín sớm.

Theo tiến sĩ Lê Hữu Hải, trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, hoá chất HPC-97HXN Trái Chín có chứa Ethephon, do cục Bảo vệ thưc vật (bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho đăng ký với tác dụng kích thích cây cao su ra mủ. Nhưng sau đó cục Trồng trọt lại cho đăng ký thuốc có chứa hoá chất này dưới dạng phân bón lá, nhưng ghi chú: không được phun trên lá (?!). Những loại thuốc có chứa chất ethephon thực chất là thuốc kích thích sinh trưởng thực vật, khi phun làm cây rụng lá, kích thích phóng thích ethylen làm trái chín.

Ông Hải nói: “Dù biện minh thế nào thì trái cây xử lý bằng hoá chất đều độc hại. Theo các tài liệu khoa học, các quốc gia châu Âu chỉ cho phép dư lượng của ethephon trên trái cây là 0,05mg/kg thể trọng con người, vì đây là một hoá chất có tác hại đến hệ thần kinh nếu bị lạm dụng. Việc nhúng trái cây vào hoá chất này rồi đem bán ngay ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ người tiêu dùng”.

Trong khi đó theo kỹ sự Tạ Minh Tuấn (viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam), quy định của Việt Nam và các nước, trái cây sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật và các loại hoá chất cần phải có thời gian cách ly từ 7 – 10 ngày để đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng. Việc sử dụng ethephon cẩu thả, vô tội vạ như hiện nay khiến hoá chất này tồn lưu trên trái rất lớn.

Theo các nhà khoa học về cây ăn trái, việc sử dụng chất ethephon để xử lý cho trái chín sớm, nếu thương lái, nhà vườn thực hiện đúng liều lượng, đúng quy trình (xử lý trái già sắp chín) sẽ mang lại lợi ích cho nhà vườn.

Ông Hải lo ngại, người tiêu dùng mua nhầm trái non xử lý “thần dược”, tác hại lâu dài là ảnh hưởng sức khoẻ cộng đồng, còn làm nhà vườn mất uy tín. Ông nói: “Từ năm 2007 chúng tôi đã xây dựng thương hiệu cho sầu riêng, được cục Sở hữu trí tuệ (bộ Khoa học công nghệ) cấp chứng nhận, nhưng đến nay vẫn không dám cho trái sầu riêng Cai Lậy mang nhãn hiệu này, chỉ vì tình trạng lạm dụng “thần dược” vô tội vạ đang làm mất tiếng tăm trái sầu riêng”.

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *